Nghe người, nghĩ về ta

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 19/12/2010

(HNM) - Chuyện giá vàng, USD chưa xong, cả nước đã sôi lên vì cá tra, một trong những "tiếng tăm" của nước ta trên thị trường quốc tế bị Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF, đưa vào "danh sách đỏ", khuyến cáo người tiêu dùng châu Âu không nên sử dụng. Trời đất, cá tra, không chỉ nước ta, mà một số nước khác, như Pakistan chẳng hạn, mỗi năm sản xuất hàng chục vạn tấn, làm sao thuộc diện "đỏ"? Té ra sự “đỏ” ở đây không phải vì nó tuyệt chủng, mà vì nó "không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn của một loại thực phẩm, khi nó được sản xuất tại Việt Nam"!?

Sau những tranh cãi và đàm phán căng thẳng, cuối cùng, đại diện của WWF đã phải ký thỏa thuận với lãnh đạo ngành thủy sản Việt Nam rằng sẽ loại bỏ quyết định đó; hơn nữa, họ sẽ giúp chúng ta nuôi cá tra theo đúng quy trình để 50% cá tra Việt Nam xuất khẩu đạt đúng tiêu chuẩn ASC của họ, số còn lại sẽ theo tiêu chuẩn châu Âu. Như vậy giá sẽ cao hơn, bán được nhiều hơn. Và quan trọng hơn là những kiện cáo về chất lượng cá tra Việt Nam sẽ ít có khả năng xảy ra.

Vậy là chúng ta đã thắng? Đã thắng trong lần tranh cãi quốc tế về chất lượng hàng của chúng ta, thứ mà ngay chính người Việt đôi khi cũng còn băn khoăn.
Và bởi vì họ đưa vào danh sách đỏ mà không có cơ sở khoa học. Đó là chưa nói đến thái độ bất công bằng của họ.

Đúng. Chúng ta đã thắng, nhưng ngẫm sâu xa, chưa hẳn họ thua. Chúng ta thắng vì, như một lãnh đạo ngành xuất khẩu thủy sản phát biểu với báo chí, chúng ta ngay từ khi bắt đầu phát triển ngành nuôi và xuất khẩu cá tra đã coi đây là nguồn lợi lâu dài và là danh dự nên phải giữ uy tín chứ không hề có chuyện "ăn xổi ở thì" và lại càng không hề tính chuyện lừa dối ai.

Chúng ta không hề lừa dối nhưng chúng ta cũng chưa làm được những gì cần làm để cá tra của chúng ta thật sự trở thành thương hiệu "cá Việt làm sao không tốt được" trong quan niệm của người tiêu dùng thế giới.

Thương hiệu đó không chỉ do người nuôi trồng, không chỉ do hệ thống thủy sản. Người xưa dạy: Có bột mới gột nên hồ. Ngày nay càng thế. Theo báo chí đưa tin, Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm cung cấp tới 22 triệu tấn lúa; đây cũng là nơi sản xuất cá tra chủ yếu của cả nước. Làm ăn lớn cần vốn lớn, chưa nói tới công nghệ hay hướng dẫn khoa học, thứ mà nông dân vùng này nói riêng và cả nước nói chung chủ yếu mới chỉ được biết qua kênh truyền hình. Vậy mà, theo nguồn tin chính thức, chừng 80% nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long không thể vay vốn ngân hàng nhà nước, kể cả hệ thống ngân hàng NN và PTNT. Tất nhiên là vay ưu đãi với lãi suất 12-15%/năm. Họ phải vay nóng và lãi suất có khi gấp ba, 36%. Như vậy, chưa tính giống không bảo đảm, thức ăn, thuốc phòng trừ cũng vậy... liệu có thể có một thứ nông sản nào đạt chuẩn quốc tế mà nông dân không bị lỗ?

Từ chuyện cá tra bị đưa vào "danh sách đỏ", rồi chuyện cho nông dân vay vốn…, chúng ta cũng nên xem lại những "cái khó" của chúng ta. Chuyện về con cá tra cũng là một trường hợp "nghe người để nghĩ đến ta". Phải điều chỉnh nhiều việc để đủ mạnh, để không ai gây khó cho chúng ta. Ý chí là vậy, nhưng để thực hiện lại là chuyện khó, rất nhiều "cái khó". Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được.

Nguyễn Triều