Có "non" về nghiệp vụ?

Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 18/12/2010

(HNM) - Sau gần 7 tháng triển khai Nghị định 34/2010 (bắt đầu từ ngày 20-5-2010) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ GT-VT đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi.


Qua thực tế triển khai, Nghị định 34/2010/NĐ-CP đang phát sinh một số bất cập. Ví dụ, đối với các trường hợp đua xe, Nghị định 34/2010/NĐ-CP chỉ nâng mức phạt tiền mà bỏ hình phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện (ngoại trừ trường hợp tái phạm hay chống người thi hành công vụ) nên không mang tính răn đe cao.

Quy định xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người điều khiển xe gắn máy chở trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm cũng gặp vướng mắc vì thiếu căn cứ để xác định tuổi trẻ em, giấy khai sinh không dán ảnh nên rất khó đối chiếu để xác minh tuổi của trẻ và rất ít người mang theo giấy khai sinh khi ra đường...

Đặc biệt thời hạn xử phạt đối với lái xe điều khiển xe đầu kéo sơmi rơmoóc không có giấy phép lái xe hạng FC không thể áp dụng từ ngày 1-7-2010 do vẫn còn nhiều lái xe điều khiển đầu kéo sơmi rơmoóc chưa kịp chuyển đổi giấy phép lái xe hạng FC. Thời gian qua còn xuất hiện một số hành vi vi phạm mới gây bức xúc cho dư luận nhưng chưa có chế tài xử phạt, điển hình như việc lắp còi hơi vượt quá âm lượng cho phép.

Một khi luật không thể phát huy tác dụng mong đợi, chi phí mà xã hội bỏ ra để làm luật trở nên vô ích và đó thực sự là một sự lãng phí. Bởi vậy, Quốc hội cần nghiêm túc đặt vấn đề bảo đảm hiệu quả của việc đầu tư vào hoạt động xây dựng pháp luật. Một mặt, cần có cơ chế kiểm tra cho phép phát hiện và đình chỉ hoặc tạm hoãn các dự án lập pháp mà tác dụng, mục tiêu không rõ ràng hoặc trùng lắp. Bên cạnh đó, không ít chuyên gia pháp luật cho rằng, cần cân nhắc, tính toán về việc quy trách nhiệm những người có liên quan, trong trường hợp luật làm ra mà không thể được thực thi nghiêm chỉnh để tránh tình trạng văn bản mới ra đời đã phải cải sửa như đã nêu trên.

Hồ Bách