Mở hướng đi mới
Công nghệ - Ngày đăng : 07:25, 17/12/2010
Các chuyên gia khảo cổ học đang xem xét mẫu vật thu được tại
Di chỉ Thành Dền (Mê Linh - Hà Nội) trong đợt khai quật tháng 4-2010.
Tại hội thảo "KHXH Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" tổ chức gần đây, GS-TS Đặng Nguyên Anh (Viện KHXH Việt Nam) cho rằng, so với mặt bằng chung, KHXH nước ta có nguy cơ tụt hậu không chỉ so với quốc tế mà ngay cả với các lĩnh vực khác trong nước. Điều này được thể hiện ở thiết chế cũng như cơ chế dành cho KHXH còn nhiều bất cập, bộc lộ rõ trên các phương diện trí lực, nhân lực và nhân tài. Cụ thể, các hoạt động nghiên cứu KHXH chưa gắn với đào tạo, sự tách rời các viện nghiên cứu và các trường ĐH trong thời gian dài khiến cho các kết quả nghiên cứu không được kiểm nghiệm chất lượng bằng sự phản hồi từ thực tiễn. Mặt khác, hệ thống đề tài KHXH chứa đựng không ít những điểm yếu từ đề xuất ý tưởng, tuyển chọn đến quản lý tài chính và đánh giá chất lượng sản phẩm.
TS Bùi Nhật Quang, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (Viện KHXH Việt Nam) cho biết, các công trình nghiên cứu KHXH nói chung còn nặng định tính, chưa chú ý nghiên cứu định lượng. Điều này dẫn đến kết quả là các bài báo khoa học nặng về lý luận chung, tính sáng tạo và tính độc lập tư tưởng hạn chế.
Thấy rõ nhất về sự bất hợp lý trong nghiên cứu KHXH vẫn chính là cơ chế tài chính. Theo PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Ủy viên Ban chủ nhiệm chương trình khoa học cấp nhà nước KX.04/06-10, Thông tư 44/2007-BTC-BKHCN đã có nhiều đổi mới, thông thoáng hơn về định mức chi và quyền hạn của chủ nhiệm đề tài. Nhưng thực tế thực hiện còn nhiều bất hợp lý. Ví dụ: chi cho xây dựng thuyết minh chi tiết được duyệt chỉ là 2.000.000 đồng. Đây là công việc đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức vì phải chắt lọc những nghiên cứu trước đây về cùng một vấn đề để có thể đưa ra những nội dung mới cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn... Hoặc chi cho viết tổng luận đề tài, công việc khó khăn nhất của cả một công trình nghiên cứu cũng chỉ được 12.000.000 đồng (bằng chuyên đề loại 2)...
Tín hiệu vui
Nếu như khoa học, công nghệ (KHCN) thời gian qua đã dần hướng đến phát triển theo cơ chế thị trường thì KHXH còn không ít trở ngại trong tiến trình này. Đặc thù của nhiều đề tài KHXH là đề cập đến vấn đề quan điểm, chiến lược, hệ thống chính trị... mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh để dấn thân. Tuy nhiên, đòi hỏi đổi mới ngành KHXH trên nhiều phương diện: cơ chế tài chính, cách tuyển chọn, đánh giá kết quả nghiên cứu... là không thể chần chừ. Đây cũng là hướng tiếp cận được Bộ KHCN chọn là điểm đột phá.
Năm nay, lần đầu tiên, nghiên cứu cơ bản trong KHXH và nhân văn (NV) được chính thức triển khai thực hiện ở nước ta và được Quỹ phát triển KHCN quốc gia (NAFOSTED) tài trợ. Ngày 4-12 vừa qua, quỹ đã ra mắt các hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, xét chọn các đề tài nghiên cứu cơ bản trong KHXHNV để tài trợ. Tính đến tháng 8-2010, NAFOSTED nhận được 106 hồ sơ của các nhà nghiên cứu KHXHNV trong cả nước đề nghị tài trợ. Quỹ đã thành lập được 8 hội đồng khoa học tương ứng với 8 nhóm ngành KHXHNV.
Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến nhấn mạnh, việc nghiên cứu cơ bản trong KHXHNV được triển khai là một tin vui. Qua đây, các nhà khoa học sẽ đóng góp vào việc hoạch định chính sách giúp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản và đóng góp thiết thực cho phát triển đất nước.
Ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc điều hành NAFOSTED khẳng định, chất lượng nghiên cứu được quỹ đặt lên hàng đầu. Với cơ chế quản lý hoạt động tiếp cận các chuẩn mực quốc tế về chất lượng nghiên cứu và cơ chế tài chính mới, thông thoáng, minh bạch, thù lao xứng đáng hơn, NAFOSTED tạo ra sự đột phá trong quản lý KHCN thông qua việc ban hành các tiêu chí đánh giá tiếp cận chuẩn mực quốc tế như: kết quả nghiên cứu phải được công bố ở các tạp chí quốc tế hoặc các tạp chí có uy tín trong nước; quy trình đánh giá được thực hiện nghiêm túc và khách quan; thành viên hội đồng khoa học phải là những người có kết quả nghiên cứu xuất sắc, công tâm, được cộng đồng khoa học tín nhiệm.
Đổi mới luôn là khó khăn, luôn có những trở ngại và thường xuất phát từ ý tưởng không phải của số đông. Nếu như năm 2009, NAFOSTED bắt đầu tài trợ cho nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên thì việc đưa nghiên cứu cơ bản trong KHXHNV chính thức vào các hoạt động KHCN là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của KHXHNV nước ta trong năm 2010.