Thượng đỉnh EU trong âu lo
Thế giới - Ngày đăng : 07:09, 17/12/2010
Triển vọng đồng euro phụ thuộc vào kết quả Hội nghị Thượng đỉnh EU. |
Trong lúc các nhà lãnh đạo EU họp tại Brussels (Bỉ), "mây đen" vẫn ùn ùn kéo tới khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) với quả bom thông tin về trái phiếu 10 năm của Bồ Đào Nha - quốc gia được cảnh báo sẽ sớm đi vào "vết xe" của Hy Lạp - tiếp tục đà trượt giá ở ngày thứ 8. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC), nếu Bồ Đào Nha không thực hiện triệt để các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" thì nợ nhà nước của quốc gia này sẽ lên mức 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2010 và 100% vào năm 2014. Thâm hụt ngân sách có thể "cán" ngưỡng 8,6% trong năm nay.
Trong bối cảnh đó, nhiều thành viên của EU, đi đầu là Luxemburg và Italia, đưa ra đề xuất phát hành trái phiếu khu vực đồng euro như một cách để ngăn chặn các việc đầu cơ thị trường, đối phó với khủng hoảng nợ đang khiến lãi suất cho vay tăng vọt trên các thị trường. Về mặt lý thuyết, các nước ủng hộ quan điểm này cho rằng, loại trái phiếu này có sức hấp dẫn hơn nhiều so với các hình thức phát hành tương ứng tại mỗi quốc gia trong khối. Điều này cũng sẽ tránh cho các nước như Hy Lạp hay Ireland phải huy động vốn với mức lãi suất "cắt cổ", sau khi đã đánh mất lòng tin nơi nhà đầu tư. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) lại đặt hy vọng vào khả năng mở rộng EFSF. Vì thực tế hiện nay cho thấy, các thị trường trái phiếu châu Âu không thể vận hành nếu ECB không liên tục mua vào. Nhưng sự can thiệp này không phải là giải pháp hữu hiệu bởi bản thân ECB cũng không thể "ôm" hết được tất cả số trái phiếu mà các chính phủ phát hành. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, nếu Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, thậm chí cả Italia, cũng yêu cầu được cứu trợ như Hy Lạp và Ireland, thì 440 tỷ euro của EFSF cũng chỉ như "muối bỏ bể" khi số tiền các ngân hàng cần được hoàn trả phải lớn gấp ba.
Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải phản ứng dữ dội từ nước Đức. Berlin cho rằng thảo luận vấn đề trái phiếu chung trong tình hình hiện nay là vô ích; đồng thời, lo ngại phát hành trái phiếu khu vực đồng euro sẽ "buộc" chặt chi phí vay nợ của các nước thành viên yếu hơn như: Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha với các nền kinh tế lớn ở châu Âu. Ngoài ra đầu tàu kinh tế châu Âu cũng e ngại về phân chia chi phí và lợi nhuận từ việc phát hành trái phiếu. Berlin cũng bác bỏ kêu gọi mở rộng quy mô của EFSF, vì cho rằng quỹ hiện nay đã đủ để giải cứu Bồ Đào Nha...
Mặt khác, tham gia vào kế hoạch phát hành trái phiếu chung có thể gây thêm khó khăn cho các nhà lãnh đạo Đức và Pháp, nhất là Thủ tướng A.Merkel trong đối nội. Hiện tại, Tòa án Hiến pháp Đức đang xem xét tính pháp lý của cơ chế quỹ giải cứu EU hiện nay. Quyết định đóng góp cho quỹ giải cứu EU của bà Merkel đã gây một làn sóng phản đối khá dữ dội trong dân Đức vốn không chấp nhận việc Chính phủ dùng tiền thuế của họ để cứu nước khác trong lúc kinh tế đất nước cũng khó khăn.
Những quyết sách từ Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng của đồng euro trong thời gian tới. Kể từ đầu năm, đồng tiền chung này đã mất 9,6% giá trị so với tiền tệ của 10 quốc gia phát triển. Trên thị trường tiền tệ Mỹ ngày 16-12, 1 euro chỉ đổi được 1,3245 USD, giảm 0,17% so với phiên giao dịch trước. Nếu các nhà lãnh đạo EU không đạt được sự đồng thuận trong những giờ tới thì cơ hội đảo chiều cho euro là rất thấp. Bên cạnh đó, việc Đức phản đối tăng quỹ giải cứu EU sẽ là trở ngại lớn cho cả khu vực, sau khi Eurozone đã nhất trí hình thành một hệ thống giải cứu cố định vào năm 2013, thay thế thỏa thuận hỗ trợ tạm thời và khẩn cấp hiện nay, nhằm giúp các nước gặp khó khăn về tài chính.