Từ 1-7-2011, đổi mới cơ chế khởi kiện hành chính

Chính trị - Ngày đăng : 06:41, 17/12/2010

(HNM) - Ngày 16-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Luật Tố tụng hành chính, Nghị quyết về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính, Luật Thanh tra, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) và Luật Bầu cử đại biểu HĐND.


Luật Tố tụng hành chính gồm 18 chương, 265 điều, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân "kiện quan". Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể khởi kiện ngay ra tòa án (TA).

Ban soạn thảo cũng quy định cơ chế cho Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tự xét lại quyết định của mình khi phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nhận định "làm oan" cho người dân trước đó. "Việc quy định cơ chế xem xét lại như trên xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhiều vụ án thấy sai mà không sửa được. Đồng thời cũng nhằm mục đích bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân" - Phó Chánh án TAND Tối cao Tưởng Duy Lượng khẳng định.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND lần đầu tiên quy định tổ chức bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND trong phạm vi cả nước vào cùng một ngày. Chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử, UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ phải quyết định thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND cấp tỉnh. Hai khu vực bỏ phiếu được thiết lập đồng thời với số lượng cử tri mỗi điểm dao động từ 300 tới 4.000 người. Riêng bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật có từ 50 cử tri trở lên sẽ thành lập địa điểm bỏ phiếu riêng.

Điểm mới đáng chú ý của Luật Thanh tra là đã nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, xác định tính độc lập tương đối của các cơ quan thanh tra trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Cụ thể, luật quy định thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp tiến hành thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu các chủ thể này không đồng ý thanh tra thì thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định việc tiến hành thanh tra đối với vụ việc đó.

Luật Tố tụng hành chính, Luật Thanh tra áp dụng từ ngày 1-7-2011, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) và Luật Bầu cử đại biểu HĐND có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011.

Hà Phong