Di tích cách mạng số 5 Hàm Long bị xuống cấp
Xã hội - Ngày đăng : 07:39, 16/12/2010
Mái ngói nhà số 5 phố Hàm Long đã bị sụp một khoảng lớn. |
Nhà số 5 phố Hàm Long (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 1964. Hiện diện tích và mặt bằng tại nhà số 5 Hàm Long vẫn được giữ nguyên 4 gian phòng (5A, 5B, 5C, 5D), mỗi gian rộng 24m2, với kiến trúc một tầng, mái lợp ngói, mặt quay ra mặt phố Hàm Long, phía sau là sân, bếp và khu phụ. Từ năm 1982, Bảo tàng Hà Nội quản lý, sử dụng 3 gian nhà để làm trụ sở làm việc, nhà trưng bày; còn gian nhà số 5A Hàm Long được phân cho một cán bộ lão thành cách mạng quản lý, sử dụng. Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, nhà số 5 phố Hàm Long có một phần mái ngói bị sụp hẳn xuống, tạo thành một lỗ hổng lớn. Phần mái ngói sụp này nằm ở gian nhà số 5A. Mặc dù đã được gia chủ phủ bạt, che chắn tạm thời, nhưng chiếc bạt đó cũng đã rách nát.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho hay: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội đã tiến hành khảo sát, lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích số 5 phố Hàm Long. Dự kiến, năm 2011, sau khi bộ phận văn phòng của Bảo tàng Hà Nội di chuyển về mới làm việc mới tại khu văn phòng của Bảo tàng Hà Nội, ở xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Sở VH-TT&DL Hà Nội sẽ triển khai dự án. Theo đó, nhà số 5A Hàm Long cũng được thu hồi để tu sửa, trả lại đúng "chức năng" của khu di tích cách mạng. Đồng thời, Sở VH-TT&DL Hà Nội cũng thu thập, bổ sung thêm tư liệu, hiện vật trưng bày để phác họa hình ảnh của các đảng viên Cộng sản đầu tiên làm việc tại đây, góp phần làm sống lại đời sống, khung cảnh của xã hội Việt Nam những năm đầu cách mạng.
Hà Nội hiện có gần 200 di tích gắn liền với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử và giá trị tinh thần của người Hà Nội. Rất mong Sở VH-TT-DL Hà Nội sớm kiểm tra, đẩy nhanh dự án tu bổ, tôn tạo di tích cách mạng số 5 phố Hàm Long.