Nghìn năm trong mười năm
Xã hội - Ngày đăng : 07:25, 16/12/2010
Một trong những hoạt động quan trọng, xuyên suốt, được báo đầu tư công sức, chất xám vào nhiều nhất là cuộc thi viết "Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".
Nhận thức rằng Hà Nội, với bề dày lịch sử kể cả từ thời kỳ tiền Thăng Long kéo tới thời hiện đại, là một đề tài lớn, có thể vẫy gọi tâm huyết, tiềm lực tham gia của bạn đọc, bạn viết ở Thủ đô, trong và ngoài nước, Ban Biên tập Hànộimới khi đó đã mạnh dạn đặt kỳ hạn thi trong 10 năm. Quy chế định rõ từ năm 2001 đến năm 2010, từng năm tổ chức chấm, trao giải những bài xuất sắc, gồm 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng và 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Để bảo đảm chất lượng, uy tín, đồng thời động viên bạn viết tham gia đông đảo, Ban tổ chức chủ trương không nhất thiết trao giải cao trong những năm không có bài thật “đắt” và lấy số tiền của giải ấy bổ sung thêm các giải khuyến khích.
Trong những năm đầu tiên, cuộc thi có sự tài trợ của Lioa. Đặc biệt quan trọng, nhà tài trợ Prudential đã đồng hành cùng Hànộimới suốt 10 năm tổ chức, thể hiện một tấm lòng vì Hà Nội và sự kết hợp tuyệt vời.
*
Chu kỳ chấm năm 2010 này kết thúc cuộc thi viết năm thứ 10 “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, xem xét các bài được đăng từ ngày 1-10-2009 đến 30-9-2010. Do nhu cầu thông tin, bài vở, các cuộc thi, chuyên mục khác về Đại lễ 1000 năm tăng lên, bài tham gia thi chỉ đăng vào các số báo thứ hai hằng tuần, thời kỳ cuối tăng lên hai kỳ, tức là số lượng bài ít hơn trước. Nhưng nhà tổ chức vui mừng nhận thấy chất lượng bài vở lại được chắt lọc tinh túy, có giá trị hơn. Sở dĩ nói vậy là vì trong các kỳ chấm 2005, 2006, 2008 và 2009, với tiêu chí bảo đảm uy tín, Ban chung khảo “phải” nhất trí không lấy giải nhất; đến nỗi mà khi tổng kết cứ phải chấp bút câu “không có trạng nguyên”.
Thăng Long - Hà Nội, giờ thêm cả xứ Đoài và vài vùng đất khác, trải mấy nghìn năm, là một vùng đất vô tận để khai thác. Điều đó thể hiện qua lượng đề tài trong các bài gửi tham gia, mà rất tiếc Hànộimới không thể đăng tải cả. Lịch sử từng vùng đất, nét văn vật, các tên tuổi có thể thấy rõ trong tên các tác phẩm: “Hát trống quân ở Hát Môn”, “Danh thơm nhà Nguyễn Quý”, “Nỗi đau của Đài Nghiên”, “Cánh diều kẻ Bá”, “Bát măng mực của bà cố nội tôi”… Những khía cạnh rất khác nhau của đô thị được đề cập như “Gương mặt nào cho làng hiện đại?”, “Quy hoạch giao thông: quên sông hồ?”… Có những bài “tỉa tót” nhưng không thiếu chất chính luận, có cái để tranh luận, là “Người Hà Nội như một danh xưng”, “Làng có “lên” phường?”. Mảng hiện đại đem vào hơi thở còn hừng hực chiếm vị trí khá lớn, từ cây cầu phao cho đường sắt qua sông Hồng trong chiến tranh đến phố ẩm thực, từ con tàu điện còn “leng keng” trong tâm thức người lớn tuổi đến “Bà tiên” của trẻ tật nguyền hôm nay.
Sự hưởng ứng, những tấm lòng, diện quan tâm ấy là vô tận, thật quý giá. Có một điều đáng phải tiếc, là năm nay các cây bút trẻ tham gia không nhiều bằng năm trước.
Nhưng bù lại, chất lượng các bài được ban chung khảo cho điểm cao rất đồng đều, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp. Trong khuôn khổ hạn chế về thời gian, chỉ xin nói về những giải chiếm vị trí quan trọng nhất.
Không có ý đánh giá thấp những bạn không sống bằng nghề viết, nhưng Ban chung khảo, khi đọc không biết tên tác giả, đều dành sự ưu ái cho người viết “có tính chuyên nghiệp” hơn. Đó là những nhà văn, nhà báo đang ăn lương các tòa soạn hoặc đã nghỉ, những người nắm chắc vấn đề, có cách thể hiện riêng biệt. “Ghi ta Hà Nội ngày ấy, bây giờ” được người trong giới thừa nhận, cho thấy tác giả Nguyễn Văn Học vừa say mê vừa am tường. Văn Chinh trong “Thế rồng chầu và những cây cầu rồng bay” vừa đắm đuối vừa tỉnh táo, chắc nịch về bố cục, lại có những cảm nhận thú vị về lịch sử. Rất riêng tư, chỉ là vài “mảnh” kỷ niệm qua miếng ăn, “Chị tôi” của Lê Lành được đánh giá “thực là Hà Nội”, mà là một Hà Nội sâu xa, không mấy người thấy, người cảm biết. Hoàng Anh, Bảo Lâm trong “Cây xanh - giá trị không thể thiếu của Hà Nội”, sau khi “điểm” sự phong phú, nhiều chủng loại của cây cối trong đô thị, đặt ra vấn đề rất nhân văn mà cũng không dễ giải quyết, như sự hài hòa, chất nhuần nhị trong cuộc sống đang phát triển, trong thành phố “đầy bê tông”. “Tầm nhìn để lại” của Thạch Bách, viết riêng về cố kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật, nhưng nêu ra những day dứt đang là của chung, như bảo vệ hồ Gươm - lẵng hoa giữa lòng Hà Nội, như làm thế nào để chúng ta vừa sống hiện đại vừa hòa nhập vào với thiên nhiên.
3 giải ba và 2 giải nhì nêu trên đều có dung lượng chữ lớn, có bài đăng hai kỳ. Nhiều chữ là một lợi thế khi thi thố, nhưng nó phải chặt chẽ, đắt, không “bôi” ra thì mới được điểm cao. Có thể thấy rõ điều ấy khi nhìn vào giải nhất. Là một nhà thơ, tự nhận “kiếm ăn bằng viết báo”, Hoàng Việt Hằng đem vào tác phẩm những cảm giác rất riêng tư. “Sang chùa” của chị nhuần nhị, đầy nữ tính, chầm chậm triển khai, từng chữ làm người đọc phải “vấp”, rõ ràng là một tác phẩm văn học. Được sự nhất trí trong ban chung khảo, nói không quá, nó “cứu” cho năm cuối cùng của cuộc thi khỏi tình trạng “không có trạng nguyên” một cách xứng đáng, không hề gượng ép.
*
Vậy là đã kết thúc quá trình 10 năm của cuộc thi “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
Phải nói ngay là ít có cuộc thi nào kéo dài đến thế. Một mặt, nó quy tụ được số lượng bài vở lớn của đông đảo bạn viết, những cảm nhận, tri thức, kỷ niệm từ bốn phương, tập hợp những trí tuệ từ bình dân đến tầm khái quát, sắc sảo. Nhưng mặt khác, làm sao để tránh khỏi tình trạng nhiều mà nhạt, đông mà không tinh, là rất khó; cũng như trong cuộc đua marathon, đứt hơi, thậm chí bỏ cuộc đều có thể. Cho đến thời khắc này, Hànộimới có thể “thở phào” rằng mình đã vượt qua thử thách đó.
Được vậy, trước nhất là nhờ tấm lòng của bạn bè bốn phương với Thủ đô 1000 tuổi nói chung và Hànộimới nói riêng. Thành phố, với bề dày lịch sử, truyền thống, một hiện tại đa sắc, là đối tượng lớn để khai thác. Đằng sau những bài được giải, cả nghìn bài gửi tham gia mà không được chọn đăng nói lên rằng ai ai cũng có một Hà Nội của riêng mình, dù có thể chưa đặt chân tới. Nhà tổ chức rất mong có những bài vở đặt vấn đề hoặc góp ý, phản biện sắc sảo hơn. Nhưng trong khuôn khổ một hoạt động kỷ niệm của cơ quan ngôn luận thuộc Đảng bộ thành phố, điều ấy không dễ. Vả chăng, những nội dung đó đã được phản ánh trong các bài vở, chuyên mục khác trên Hànộimới.
Được vậy, là nhờ sự đóng góp bền bỉ, nhiệt tình, trí tuệ của các tác giả. Có thể kể ra những tên tuổi tiêu biểu: nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đoạt 2 giải nhất, 1 giải nhì. Nhà văn Băng Sơn đoạt 1 giải nhì, 2 giải khuyến khích. Nhà văn Văn Chinh đoạt 1 giải nhất, 1 giải ba. Các tác giả Minh Nguyệt, Ngô Huy Giao gần như năm nào cũng đoạt giải. Có những bài hưởng ứng rất sớm mà vấn đề đặt ra đến giờ còn nóng: xe buýt với bài toán giao thông, lời giải cho người lang thang hoặc tình trạng ách tắc. Bên cạnh vị kiến trúc sư già Ngô Huy Giao luôn lo cho nét làng, chất nhân văn nhuần nhị phai nhạt trong khung cảnh đô thị hóa là một Hồng Tươi trẻ trung tìm đến những gương mặt sẽ làm chủ tương lai. Thành phố mang hồn vía của đất nước được mô tả, bóc tách từ miếng ăn đến nét nhạc, từ thú chơi rất riêng đến nghề truyền thống, mỗi tác phẩm, mỗi tác giả là mỗi vẻ. Kết thúc hai chu kỳ 5 năm, những tác phẩm tốt được chọn lọc, đem in trong các cuốn sách “Hà Nội những tháng năm đổi mới” và “Hà Nội - những lát cắt 1000 năm”, đều do NXB Hà Nội ấn hành.
Về mặt tổ chức, nhờ chủ trương xã hội hóa, Hànộimới được sự đồng hành bền bỉ, vô tư của các nhà tài trợ, đặc biệt là Prudential. Bản thân các biên tập viên cũng được hưởng lợi của thời đại thông tin: những năm đầu tiên phải đánh máy từ bản thảo chép tay, sau này được dễ dàng hơn với thư điện tử. Rất nhiều tri thức cũng như quan hệ tốt đẹp đã làm giàu thêm cho cả đôi bên tác giả và biên tập viên. Trong quá trình chấm, để tránh thiên vị, tên tác giả được giấu kín. Ban sơ khảo gồm các trưởng ban của Hànộimới. Ban chung khảo ngoài thành viên Ban Biên tập, mời thêm các nhà văn, nhà báo, nhà quản lý, nhà giáo có uy tín tham dự: Bằng Việt, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Hùng Vĩ, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Trung Lai, Hoàng Hữu Lượng, Nguyễn Thế Kỷ...
Hoàn thành cuộc “ma ra tông” 10 năm này, Hànộimới đang nghĩ đến những cuộc thi khác, ngắn hạn hơn, chủ đề nhỏ gọn, thiết thực, được sự quan tâm của xã hội. Đây cũng có thể là một hướng mở cho báo tiếp cận với bạn đọc của thời kỳ mới.
*
Kết thúc 10 năm cuộc thi viết “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, Báo Hànộimới, với sự hưởng ứng, giúp đỡ nói trên, đã đóng góp phần mình vào Đại lễ 1000 năm. Xin trân trọng tri ơn đóng góp của bạn đọc, bạn viết xa gần.