Nuôi dưỡng nét đẹp truyền thống
Giáo dục - Ngày đăng : 07:21, 16/12/2010
Từ kết quả này, ngành GD-ĐT Hà Nội xác định tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phong trào theo chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng toàn diện, xây dựng những thế hệ HS thanh lịch, văn minh.
Từ 98,8% số trường có khuôn viên xanh - sạch - đẹp
Phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, HS tích cực" được Bộ GD-ĐT phát động từ năm học 2008-2009 với mục tiêu huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường tham gia xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, chuyển biến rõ nét và dễ thấy nhất ở các nhà trường khi tham gia phong trào là cảnh quan môi trường được cải thiện. Sau 2 năm triển khai, toàn TP có 2.302 trường học được đánh giá có khuôn viên xanh - sạch - đẹp, chiếm tỷ lệ 98,8%. Con số 100.000 cây xanh được trồng mới ở các nhà trường thời gian qua không chỉ góp phần làm cho cảnh quan trường học xanh hơn, mà còn thể hiện ý thức, trách nhiệm của HS trong việc chăm chút cho ngôi trường của mình.
Khuôn viên với nhiều cây xanh của Trường THCS Trưng Vương. Ảnh: Linh Tâm |
Nội dung an toàn cũng được đưa vào làm một trong những nội dung của phong trào. Lãnh đạo TP đã thể hiện sự quan tâm thiết thực tới việc bảo đảm sức khỏe học đường cho HS bằng việc dành 117 tỷ đồng cho các nhà trường khu vực Hà Nội mở rộng để lắp đặt hệ thống chiếu sáng theo chuẩn. Không chỉ có thế, các nhà trường còn được đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, hợp vệ sinh. Với lộ trình ấy, Hà Nội đang phấn đấu có 100% trường học trên địa bàn TP có nhà vệ sinh theo đúng quy định vào năm 2012.
Có thể nói đây là lần đầu tiên, vấn đề nhà vệ sinh trường học, chuyện từng bị coi là "phụ" ấy được đưa vào nhiệm vụ năm học với những yêu cầu cụ thể như: mỗi trường học phải có nhà vệ sinh và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, có người dọn dẹp thường xuyên, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, giáo viên, HS. Những yêu cầu tưởng như rất nhỏ ấy đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các nhà trường triển khai ngay từ năm học đầu tiên khởi động phong trào, với tiêu chí mỗi trường học xanh - sạch - đẹp và an toàn không thể thiếu nhà vệ sinh sạch sẽ. Đại diện lãnh đạo các nhà trường đều cho biết, kết quả của sự quan tâm ấy đã không chỉ nhìn thấy ở vẻ bề ngoài của mỗi ngôi trường, mà còn có tác dụng lâu dài tới sức khỏe, nền nếp sinh hoạt, học tập của từng HS. Trường lớp khang trang hơn đã giúp cho việc giảng dạy - học tập và sinh hoạt của cô và trò có nhiều thuận lợi hơn. Kết quả giáo dục ở các nhà trường, nhất là khu vực Hà Nội mở rộng đã có nhiều chuyển biến.
… đến việc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS
Điểm nhấn trong năm thứ 2 triển khai phong trào xây dựng "Trường học thân thiện, HS tích cực" với Hà Nội là việc đưa vào giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh". Theo đó, HS các cấp học trên địa bàn TP đều được học về những nét đẹp truyền thống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội, bắt đầu từ lời ăn, tiếng nói trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày. Với những nội dung thiết thực, gần gũi, các thành viên hội đồng biên soạn mong muốn sẽ trang bị cho những chủ nhân tương lai của Thủ đô kiến thức về cuộc sống, những nét đẹp của con người, mảnh đất Hà thành; khơi dậy trong các em lòng tự hào và ý thức trách nhiệm trong học tập, rèn luyện và giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống ấy…
Trên chặng đường đạt mục tiêu có 70% số trường đạt chuẩn "Trường học thân thiện, HS tích cực" vào cuối năm học, Hà Nội đang chú trọng giáo dục đạo đức, dạy cho HS sống thân thiện, biết đồng cảm, sẻ chia. Việc trang bị cho HS kỹ năng sống cần thiết để ứng phó với những tình huống nảy sinh trong cuộc sống, nhất là khi gặp biến cố cũng được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm học này. Nội dung ấy không chỉ được dạy lồng ghép ở các môn học, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, mà còn được đưa vào các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, trong đó đội ngũ giáo viên chủ nhiệm được đặc biệt chú ý.
Những nỗ lực cho mục đích ấy của ngành còn thể hiện ở việc chỉ đạo, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Từ đầu năm học 2010-2011 đến nay, thầy và trò các nhà trường đã quyên góp, gửi tặng 2 tỷ 150 triệu đồng và 16 tấn hàng hóa cho đồng nghiệp ở 7 tỉnh còn nhiều khó khăn là Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Giang, Bắc Cạn và Cao Bằng. Hiện nay, HS các trường đang tiếp tục quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, quần áo… để kịp thời gửi tặng bạn bè tỉnh Hà Giang trong tháng 12 này. Từ phong trào này, nhiều sáng kiến tiết kiệm để dành tiền tặng bạn như góp một phần quà sáng, nuôi lợn đất, không tổ chức sinh nhật… được nhân rộng. Những việc làm nhỏ nhưng thiết thực ấy đang ngày càng lan tỏa, góp phần nuôi dưỡng, gìn giữ những nét đẹp truyền thống cho các thế hệ HS Thủ đô.