Mua láng giềng gần
Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 16/12/2010
Tạm gác những bất đồng còn tồn tại trong quan hệ hai nước để đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Trung - Ấn được xem là trọng tâm trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc tới Ấn Độ trong 5 năm trở lại đây. Đây cũng là dịp quan trọng để lãnh đạo hai nước làm sâu sắc hơn mối quan hệ láng giềng đã được xây dựng 60 năm qua, đặc biệt góp phần làm giảm sự hoài nghi của Ấn Độ trước sự trỗi dậy của "người khổng lồ" Trung Quốc trong cuộc đua giành ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện nay.
Chiều 15-12, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tới New Delhi bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ. Ảnh: AP |
Diễn ra ngay sau chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama cách đây hơn một tháng và chuyến thăm của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Anh David Cameron trước đó, việc Thủ tướng Ôn Gia Bảo dành tới 3 ngày để thăm Ấn Độ trong chuyến công du Nam Á 4 ngày đã cho thấy mục tiêu phát triển quan hệ hợp tác với Ấn Độ quan trọng như thế nào đối với Trung Quốc. Rõ ràng, Mỹ, Anh, Pháp… rồi đến Nga không ngừng tăng cường hợp tác kinh tế cũng như quân sự và mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ tới quốc gia có số dân lớn thứ hai thế giới này đã khiến Trung Quốc phải hành động.
Cùng là thành viên của nhiều diễn đàn, tổ chức quốc tế, do đó, có không ít lý do khiến quan hệ Trung - Ấn ngày càng xích lại gần nhau, nhất là trong lĩnh vực thương mại - đầu tư. Dự kiến kim ngạch thương mại song phương Trung - Ấn năm nay đạt 60 tỷ USD. Trong chuyến công du này của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, các doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ ký kết các thỏa thuận và hợp đồng trị giá khoảng 20 tỷ USD trên các lĩnh vực tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông và dược phẩm. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Thượng Hải của Trung Quốc dự kiến sẽ bán trang thiết bị điện và các dịch vụ có liên quan trị giá hơn 8,3 tỷ USD cho Tập đoàn Điện lực Reliance của Ấn Độ trong vòng 10 năm tới.
Thực tế cho thấy, thâm hụt thương mại vẫn là một trong những trở ngại lớn trong quan hệ Trung - Ấn nhiều năm qua. Song để có lời giải cho bài toán này là không đơn giản, khi nền kinh tế hàng đầu Nam Á với GDP 1.300 tỷ USD đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu và hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Trong bối cảnh đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, cần huy động nguồn vốn lên tới 1.000 tỷ USD từ nay đến năm 2020, New Delhi hy vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ. Như vậy, việc thâm hụt thương mại là điều khó tránh khỏi.
Điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du của Thủ tướng Ôn Gia Bảo là Pakistan, quốc gia được coi là đồng minh của Trung Quốc ở khu vực Nam Á hiện nay. Từ lâu Pakistan vẫn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc thâm nhập. Với kim ngạch thương mại song phương trong 9 tháng đầu năm đạt 6,2 tỷ USD và dự báo có thể tăng lên 15-18 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, quan hệ Trung Quốc - Pakistan đang đứng trước nhiều triển vọng mới. Trong bối cảnh đó, khoảng 150 nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tháp tùng Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ đến Islamabad để tìm kiếm các hợp đồng kinh tế, trong đó có thỏa thuận giúp Pakistan xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai nền kinh tế năng động bậc nhất khu vực và chiếm tới hơn 1/3 dân số toàn cầu là tín hiệu khả quan khi thế giới đang phải gồng mình vượt qua những thách thức của thời kỳ hậu suy thoái. Song điều đó không có nghĩa quan hệ giữa ba quốc gia láng giềng Trung Quốc - Ấn Độ - Pakistan hoàn toàn thuận buồm, xuôi gió. Trong bối cảnh các cường quốc kinh tế không ngừng mở rộng ảnh hưởng, bất cứ động thái nào diễn ra trong quan hệ song phương Trung Quốc - Pakistan hay Mỹ - Ấn Độ sẽ tác động tới quan hệ tay ba Trung - Ấn - Pakistan trong tương lai.