Hãy sử dụng cá tra Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 16/12/2010

(HNM)-


Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình An (Cần Thơ).  Ảnh: Huy Hùng 


Sau khi cá tra VN bị tổ chức WWF tại 6 nước châu Âu đưa vào "danh sách đỏ", khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm khác, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản cùng các tổ chức liên quan tại VN và quốc tế đã lên tiếng "đòi lại công bằng" cho cá tra VN. Tại cuộc đối thoại trực tiếp, phía VN đã đưa ra hàng loạt câu hỏi và căn cứ để chứng minh việc đánh giá của WWF 6 nước châu Âu là thiếu cơ sở thực tế và khoa học. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP đã chất vấn ông Mark Powell bằng việc chỉ ra 7 câu hỏi thiếu cơ sở thực tiễn trong 19 câu mà WWF đưa ra để xếp cá tra của VN vào "danh sách đỏ" như nguồn thức ăn nuôi cá tra không được quản lý, thức ăn chứa những hóa chất bị cấm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái...

Với yêu cầu từ phía VN đưa cá tra ra khỏi "danh sách đỏ", ông Mark Powell cho rằng "cần có thời gian". Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, hệ thống số liệu để WWF 6 nước thành viên đánh giá dựa trên hai tài liệu đã được công bố từ trước năm 2009, là rất nghèo nàn, không có tính thuyết phục, điều này đã gây bức xúc lớn trong dư luận, thiệt hại đến đời sống của người nuôi cá tra tại VN. Ông Tuấn yêu cầu, WWF toàn cầu phải đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ ngay lập tức. Trước những bằng chứng đó, Ông Mark Powell nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ đưa cá tra ra khỏi danh mục đỏ, có thể ngay trong ngày mai và sẽ điều chỉnh lại cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng và tạo một danh mục mới cho cá tra VN, mục sản phẩm đang trên đường hướng tới sự phát triển bền vững, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng tiếp tục sử dụng cá tra VN". Đại diện Tổng cục Thủy sản cho đây là quyết định đúng đắn của WWF toàn cầu vì VN là nước sản xuất cá tra lớn nhất thế giới, ngành sản xuất cá tra VN có quy mô toàn cầu. Điều này sẽ đem lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng thế giới.

Cùng xây dựng thương hiệu cho cá tra VN


Tại cuộc đối thoại, ông Mark Powell cam kết, trong thời gian tới WWF sẽ giúp VN thực hiện các bước để cá tra nằm trong danh mục các sản phẩm "phát triển bền vững". Đây sẽ là cơ hội để người nuôi cá tra VN xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới.

Chia sẻ với phóng viên báo chí sau cuộc đối thoại, ông Tuấn cho biết, cuộc thảo luận diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở. Ngoài việc WWF toàn cầu đồng ý bỏ ngay cá tra của Việt Nam ra khỏi "danh sách đỏ" trong cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng, khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng cá tra, hai bên còn thống nhất mục tiêu, hợp tác chặt chẽ để phát triển nuôi cá tra ở VN hướng tới phát triển bền vững. Khi được hỏi suy nghĩ của mình về bản đánh giá cá tra và tác động của nó đến người nuôi VN, ông Mark Powell giải thích, "Chúng tôi hoàn toàn không có ý định chỉ trích, phê phán, xử phạt người nông dân nuôi cá tra. Chúng tôi nghĩ rằng tương lai tốt nhất cho họ là được công nhận chứng chỉ bền vững. Đó là lý do mà chúng tôi đang hợp tác với Bộ NN&PTNT và người nuôi cá VN. Lời xin lỗi tốt nhất với người nuôi cá tra VN là WWF không nhìn lại quá khứ mà hướng tới hợp tác trong tương lai."

Ông Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao thái độ và phản ứng kịp thời của WWF toàn cầu. Thực tế, VN luôn kiểm soát chặt chẽ ngành thủy sản, từ khâu quy hoạch, nuôi trồng đến chế biến và áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế về nuôi trồng thủy sản, bảo đảm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái theo các tiêu chuẩn quốc tế. VN đã xuất khẩu nhiều sản phẩm thủy sản chất lượng cao ra thị trường thế giới và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Việc cá tra VN nằm trong danh mục các sản phẩm phát triển bền vững là điều hiển nhiên. Ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, ngày 16-12, đại diện của WWF toàn cầu sẽ tiếp tục làm việc với Bộ NN&PTNT để cùng thảo luận chi tiết các nội dung hợp tác trong thời gian tới để ngành cá tra nói riêng cũng như sản phẩm thủy sản VN nói chung phát triển bền vững.

Đào Huyền