Di dời chợ Văn Thánh: Chợ đi, bức xúc ở lại
Đời sống - Ngày đăng : 08:04, 15/12/2010
Khu đất chợ Văn Thánh được đánh giá là một trong những khu đất "vàng" thuộc hàng hiếm đã được UBND TP Hồ Chí Minh đưa vào danh sách đấu giá từ năm 2007 và Công ty CP SSG Văn Thánh (thuộc Tập đoàn SSG) đã trúng thầu khu đất với giá 903 tỷ đồng. Khu đất này có diện tích 6.000m2 nằm ngay cửa ngõ TP, sẽ được Công ty CP SSG Văn Thánh đầu tư xây dựng thành SSG Tower; có quy mô 32 tầng, bao gồm trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp. Tuy nhiên điều đáng nói là những vướng mắc khi đền bù cho các hộ tiểu thương vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, nên đến thời điểm di dời chợ vẫn còn nhiều hộ chưa đồng lòng với mức giá bồi thường mà Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh đưa ra.
Trở lại hơn 16 năm về trước, năm 1994 UBND quận Bình Thạnh có chủ trương huy động vốn từ các tiểu thương nhằm xây dựng chợ Văn Thánh. Và chủ trương trên đã được sự đồng tình của hơn 600 hộ tiểu thương, họ đã hùn vốn xây chợ bằng vàng. Với nhiều mức hùn tùy theo từng hộ, tùy theo vị trí từng sạp hàng mà các hộ tiểu thương đã hùn vốn từ 3 tới 12 lượng vàng/sạp hàng trong chợ Văn Thánh. Thế nhưng đến năm 2005, UBND TP lại ký lệnh cho phép quận Bình Thạnh chấm dứt hoạt động của khu chợ Văn Thánh, đồng thời lên kế hoạch lấy khu đất chợ Văn Thánh để mang ra đấu giá, giao các nhà đầu tư xây dựng cao ốc trung tâm thương mại như đã nói ở trên.
Và những vướng mắc xuất hiện khi các hộ tiểu thương cho rằng, mức giá đền bù chẳng đáng là bao nếu quy ra vàng tại thời điểm người dân bỏ ra. Theo bà Lan chủ sạp tại chợ Văn Thánh cho biết, TP chủ trương di dời chợ để xây dựng công trình hiện đại, hoành tráng hơn thì bà con tiểu thương chấp hành, được bồi thường tiền và qua khu chợ mới để tiếp tục kinh doanh. Nhưng có một số chị em tiểu thương chịu thiệt thòi rất lớn vì thời điểm năm 1994, bà Lan đã mua sạp với giá 3,2 lượng vàng. "Với số tiền này tôi có thể mua được một lô đất hoặc căn nhà trong hẻm tại Bình Thạnh, Tân Bình. Và để đến bây giờ thì giá trị tăng vài chục lần. Nhưng sinh ra nghề buôn bán này thì đành phải chấp nhận, nếu như để tiếp chợ Văn Thánh thì cũng sinh lời, còn qua khu chợ mới thì phải cần thêm thời gian để khách hàng quay trở lại".
Đặc biệt là những tiểu thương phải mua lại suất của những người bốc thăm trúng mà không kinh doanh với giá cao gấp 3-4 lần so với giá gốc là 3,2 lượng vàng. Có những người đã bán nguyên cả căn nhà tại quận 2 để mua lại sạp, bây giờ họ được đền bù bằng tiền mặt với khoản tiền 100 triệu, thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn.
Hiện tại đa số tiểu thương đã chuyển qua kinh doanh tại chợ Văn Thánh mới được xây dựng tại phường 25, quận BìnhThạnh với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, trên diện tích 1.240m2 gồm một trệt, một lửng, một lầu với tổng số 166 sạp.
Nhưng vấn đề đáng nói nữa là các quy định của Nhà nước không thừa nhận "quyền đóng góp" của các tiểu thương, dẫn đến việc không thừa nhận quyền được thừa hưởng những đóng góp trên. Theo phản ánh của một số tiểu thương, kể từ khi huy động vốn từ năm 1994, các tiểu thương dù vẫn kinh doanh bình thường vẫn không được ký hợp đồng thuê sạp như các khu chợ khác trong TP. Mặc dù UBND quận Bình Thạnh cũng trình nhưng UBND TP cho rằng quyền chủ sở hữu của các tiểu thương là chưa có quy định!?
Điều bức xúc của các tiểu thương khiến họ chịu nhiều thiệt hại là, từ trước đến nay họ cứ nghĩ rằng mình được quyền sở hữu sạp bằng số vốn mình bỏ ra. Tuy nhiên trên thực tế, quyền góp vốn đó lại không được bảo vệ bằng một quy định cụ thể nào. Sự thiếu chặt chẽ trong các chủ trương, chính sách đã dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có, không khuyến khích họ ủng hộ các chủ trương của chính quyền. Do đó, ngay từ bây giờ cần xây dựng những quy định, định chế thật chặt chẽ.