Không thể bỏ mặc người nghèo

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:40, 15/12/2010

(HNM) - Tại hội nghị ngành mắt Việt Nam diễn ra ở Hà Nội (từ ngày 11 đến 17-12), PGS - TS Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TƯ cho biết, đục thể thuỷ tinh (TTT) vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở nước ta hiện nay với hơn 700.000 mắt cần được phẫu thuật, chưa kể số mắc mới hằng năm gây mù hai mắt là 85.000 ca (khoảng 10o/oo dân số) và gây mù một mắt là 85.000 ca.

Đây đang là một thách thức lớn đối với ngành mắt, bởi hai năm qua, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, mới chỉ có 20.409 ca mổ đục TTT ở cộng đồng (15,4%). Còn rất nhiều người nghèo chưa được tiếp cận với kỹ thuật này do không có kinh phí (đối tượng này chiếm tỷ lệ từ 15% đến 35%).

Chụp phát hiện các bệnh ở võng mạc cho trẻ em tại Bệnh viện Mẳt trung ương. Ảnh: Hữu Oai


Nỗ lực tìm lại ánh sáng

Theo kết quả điều tra của ngành mắt, hiện có khoảng 380.800 người mù hai mắt, trong đó có 251.700 người mù do đục TTT, 24.800 người mù do bệnh glôcôm và 6.500 người mù do bệnh mắt hột. Ngoài ra, còn gần 3 triệu trẻ em trong độ tuổi học sinh bị giảm thị lực do tật khúc xạ cần được chỉnh cấp kính và hướng dẫn chăm sóc mắt. Xác định đục TTT vẫn là "thủ phạm" chính gây mù lòa, nên ngành mắt đã đề ra mục tiêu phải phẫu thuật ít nhất từ 170.000 đến 250.000 ca đục TTT vào năm 2012. Để đạt được con số này, hai năm qua với sự hỗ trợ về kinh phí của Bộ Y tế (khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm), hoạt động mổ đục TTT giải phóng mù lòa ở nước ta đã thu được nhiều kết quả. Chỉ riêng ở hệ thống bệnh viện công lập, số ca phẫu thuật đục TTT đã là 132.419 ca (năm 2009), đạt tỷ lệ 1.540 ca/1 triệu dân, trong đó có 39.537 ca mổ theo phương pháp Phaco (chiếm 29,9%). Các cơ sở y tế tư nhân cũng đã mổ khoảng 30.000 ca.

Đáng lưu ý, rất nhiều địa phương đã đạt được chỉ số phẫu thuật đục TTT trên 3.000 ca/1 triệu dân theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới như Đà Nẵng (đạt 5.357 ca/1 triệu dân), TP Hồ Chí Minh (4.686 ca), Cần Thơ (3.227 ca), Hải Phòng (3.139 ca), Bình Định (3.077 ca)… Nhờ những nỗ lực này, so với năm 2002, tỷ lệ mù lòa hiện đã giảm từ 4,7% xuống 3,1% ở người từ 50 tuổi trở lên.

Hướng đến cộng đồng

PGS-TS Đỗ Như Hơn nhận định, mặc dù tỷ lệ mù lòa đã giảm đáng kể do ứng dụng hiệu quả phương pháp mổ đục TTT, tuy nhiên, tỷ lệ mổ ở cộng đồng vẫn thấp, riêng trong năm 2009 mới có 20.409 ca (chiếm 15,4%). Nguyên nhân có nhiều, trong đó có khó khăn về kinh phí, sự hợp tác của các bệnh viện tuyến huyện, khả năng thanh toán của BHYT cho các bệnh nhân, sự chuyển đổi phương pháp phẫu thuật từ mổ cổ điển sang mổ Phaco khiến nhiều bệnh nhân muốn được mổ Phaco ở các đơn vị tuyến tỉnh. Nhưng một nguyên nhân được khẳng định là sau khi thành lập bệnh viện mắt tỉnh, thành phố, với 80% đơn vị được trang bị thiết bị mổ Phaco nên nhiều nơi đã sao nhãng việc đi mổ cho người nghèo ở cộng đồng, chỉ chú trọng phát triển kỹ thuật mổ Phaco ở tuyến tỉnh. Điều này rất dễ hiểu vì phương pháp Phaco vừa cho kết quả thị lực cao hơn phương pháp cũ, vừa được BHYT hoặc bệnh nhân chi trả nhiều hơn, nhân viên y tế lại không phải lặn lội vất vả. Thực tế đáng báo động này đã làm cho nhiều người mù nghèo (chiếm từ 15% đến 35%) không có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng do không có tiền (chi phí cho một ca mổ Phaco khoảng 5 đến 6 triệu đồng/mắt), không có điều kiện tiếp cận với y tế tuyến trên.

Tư tưởng "sính" công nghệ cao, bỏ phương pháp cổ điển của cả bệnh nhân, bác sỹ thời gian qua rõ ràng đang gây khó khăn và ảnh hưởng đến mục tiêu giảm mù do TTT ở nước ta. Và có một mặt trái dù không phải bệnh nhân nào cũng hiểu mà bác sỹ Phí Duy Tiến (Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh) đã chỉ ra, tuy mổ Phaco nhiều ưu điểm nhưng nhược điểm của nó là biến chứng và biến cố phẫu thuật sẽ nặng nề hơn kỹ thuật cổ điển. Vì thế, theo khuyến cáo của bác sỹ Phí Duy Tiến, các địa phương vẫn cần duy trì kỹ thuật mổ cổ điển, chỉ sử dụng Phaco cho bệnh nhân có nhu cầu. Về phía ngành mắt cũng kêu gọi các địa phương cần tranh thủ tận dụng kinh phí hỗ trợ từ các nguồn, đặc biệt là của Quỹ Bảo hiểm Y tế Việt Nam, để đẩy mạnh công tác phòng chống mù lòa tại chỗ. Đây là nguồn hỗ trợ đáng kể, với ước tính mỗi năm có thể lo cho khoảng 30.000 ca mổ đục TTT là đối tượng bệnh nhân nghèo. Bên cạnh đó, công tác đào tạo cán bộ chuyên khoa mắt cho tuyến y tế cơ sở cũng cần được đẩy mạnh, bởi hiện tại tuyến huyện trên cả nước chỉ có 202 bác sỹ chuyên khoa mắt (chiếm 18,1% số bác sỹ nhãn khoa).

Đức Trung