Tạo bứt phá phát triển nông thôn
Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 15/12/2010
Bài toán được giải tại hội thảo quốc tế "Mỗi làng một sản phẩm" với chủ đề: "Phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" với việc xây dựng nông thôn mới", tại Việt Nam (VN) do Bộ NN&PTNT phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 14-12, có 10 quốc gia trên thế giới tham dự. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: "nơi nào có làng nghề phát triển thì nơi đó đói nghèo giảm, xã hội ổn định".
Phát triển nặng tính tự phát
Sản xuất mây, tre đan mỹ nghệ tại làng nghề Chương Mỹ.Ảnh: Thái Hiền
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, hiện cả nước có 2.017 làng nghề, phân bố ở 3 khu vực phát triển làng nghề tương đối tập trung, khu vực Đồng bằng sông Hồng có 866 làng nghề (chiếm 42,9% tổng sản lượng làng nghề cả nước); khu vực Tây Bắc: 247 làng nghề (chiếm 12,2%) và Đồng bằng sông Cửu Long: 211 làng nghề (chiếm 10,5%). Số làng nghề truyền thống chỉ chiếm khoảng 15% tổng số làng nghề của cả nước, còn lại là các làng nghề mới hình thành. Hầu hết đều là làng nghề có quy mô nhỏ và vừa. Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối: Phát triển ngành nghề phi nông nghiệp vẫn mang nặng tính tự phát. Hiện 80% số cơ sở làng nghề không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô. Hầu hết các hộ, cơ sở ngành nghề ở nông thôn sử dụng nhà ở làm nơi sản xuất.
Bên cạnh đó, hầu hết các làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất thiếu ổn định do thiếu nguyên liệu, đặc biệt là nhóm ngành mây, tre, đan, dệt may truyền thống… Có khoảng 35% cơ sở ngành nghề nông thôn thiếu nguyên liệu nghiêm trọng, chỉ duy trì sản xuất cầm chừng với nguyên liệu nguồn gốc không rõ ràng, không ổn định. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng, làng nghề chưa biết phát huy nội lực của mình. Sự liên kết giữa các làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong mở mang truyền nghề, cấy nghề, cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Do phát triển tự phát nên làng nghề chưa khai thác tốt thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc quảng bá những nhóm sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống chưa được chú trọng đúng mức. Tiến sỹ Morihiko Hiramatsu, Chủ tịch tỉnh Oita (Nhật Bản) - người khởi xướng phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" cho rằng: VN có rất nhiều sản phẩm đặc sắc nếu biết khai thác tiềm năng từ các làng nghề đó, nông thôn VN sẽ có bộ mặt mới.
Cơ hội bứt phá xây dựng NTM
Phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" là một trong những bước ngoặt phát triển nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa đất nước tại Nhật Bản. Sự thành công của phong trào đã góp phần phát triển khu vực nông thôn của các nước đang phát triển. Mục tiêu của phong trào là tăng thu nhập, xây dựng niềm tin cho người dân ở các làng quê; bảo đảm cho người già sống yên bình, thanh thản, người trẻ phát huy được sức lực, trí tuệ và có thể tạo ra sản phẩm đặc biệt bao gồm cả văn hóa, du lịch ngay tại vùng nông thôn.
Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho biết, trải qua hơn 20 năm đổi mới, số hộ và cơ sở ngành nghề nông thôn ở khu vực nông thôn nước ta đang ngày càng tăng, hiện có khoảng 1.423 triệu hộ với trên 11 triệu lao động tham gia sản xuất và có nguồn thu nhập chính từ nghề thủ công, đem lại kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành nên gần đây ngành nghề phi nông nghiệp ở các địa phương đã có nhiều khởi sắc. Đã có gần 1.000 làng nghề được công nhận theo tiêu chuẩn VN ở trên 20 tỉnh, thành phố. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn của nhiều tỉnh đã có dấu hiệu tăng trưởng rõ rệt. Trung bình mỗi hộ làm nghề phi nông nghiệp có thể thu hút thêm 2-5 lao động, còn các cơ sở thu hút từ 8-10 lao động thời vụ. Nhiều làng nghề, đặc biệt là làng nghề chế biến nông sản do tính chất thời vụ của công việc nên số lao động thời vụ thường rất lớn, gấp 4-7 lần số lao động thường xuyên. Phát triển làng nghề cũng kéo theo sự phát triển của nhiều dịch vụ liên quan, điều này góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn.
Việc xây dựng và thực hiện phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" là việc làm cần thiết, quan trọng, góp phần thúc đẩy các làng nghề phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tạo sức cạnh tranh cao nhất trên thị trường. Theo hướng đó, từ năm 2005, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo phát triển mỗi làng một nghề gắn với triển khai chương trình quốc gia về xây dựng NTM. Theo Tiến sỹ Morihiko Hiramatsu: Chìa khóa để xây dựng "Mỗi làng một sản phẩm" là mỗi địa phương phấn đấu làm ra một sản phẩm và coi đó là niềm tự hào của người dân, quê mình. Mục tiêu của phong trào không đơn giản là làm ra những vật lưu niệm cho khách du lịch mà phải tạo ra những sản phẩm đặc trưng, phải có thương hiệu để không chỉ đưa ra thị trường địa phương mà mang tính toàn cầu. Để làm được điều đó, Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương phải kiên trì thúc đẩy sự tự chủ, tự lực và sáng tạo của người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất ra các sản phẩm có giá trị cao; đồng thời có chính sách hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và quan tâm phát triển nguồn nhân lực.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, làng nghề VN cần độc lập, sáng tạo; dựa vào lợi thế của địa phương là chính, cần xây dựng và sử dụng tốt mối liên kết nhiều nhà là tiêu chí quan trọng để xây dựng và phát triển. Đây cũng là cơ hội để các địa phương bứt phá trong thực hiện chương trình xây dựng NTM.