Khẩn cấp hỗ trợ người lao động

Đời sống - Ngày đăng : 06:36, 15/12/2010

(HNM) - Vào hồi 6h30 sáng ngày 13-12-2010 (khoảng 4h30 sáng giờ Việt Nam), tàu cá In Sung-1 của Hàn Quốc đã bị đắm tại Nam Cực, cách New Zealand khoảng 2.250km.

Thời điểm con tàu gặp nạn, trên tàu có 42 thủy thủ, trong đó có 8 người Hàn Quốc, 8 người Trung Quốc, 11 người Indonesia, 11 người Việt Nam, 3 người Philippine và 1 người Nga... Ngay sau khi nhận tin, các tàu cứu hộ của New Zealand và Hàn Quốc đã nỗ lực triển khai các biện pháp cứu hộ và tìm kiếm người mất tích. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã xác nhận có 5 người chết và 17 người mất tích, trong đó có 1 lao động Việt Nam tử nạn và 3 người khác mất tích.

Theo tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, đến cuối giờ chiều hôm qua (14-12), nạn nhân Việt Nam xấu số đầu tiên được xác định là thuyền viên Nguyễn Tương, sinh năm 1986, ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh; 3 người mất tích là Nguyễn Song Hào, 28 tuổi ở xã Kỳ Khang; Nguyễn Văn Thành, 21 tuổi và Nguyễn Văn Sơn, 25 tuổi cùng ở xã Kỳ Ninh (Hà Tĩnh). 7 người được cứu sống trong chuyến tàu định mệnh đó là Trần Đình Khánh, Trần Ngọc Sơn, Lê Quang Rực, Nguyễn Văn Nam, Hoàng Văn Bắc, Nguyễn Mậu Hiền và Nguyễn Văn An, quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Những thuyền viên Việt Nam trên do 5 công ty đưa đi XKLĐ, gồm: Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực (LOD) 5 thuyền viên, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (CIENCO No1) 2 thuyền viên, Công ty CP XKLĐ Thương mại và Du lịch (TTLC) 2 thuyền viên, Tổng Công ty Đường sông miền Nam 1 thuyền viên và Công ty cổ phần TRAENCO 1 thuyền viên.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Cục đã yêu cầu các công ty tập trung vào một số công việc khẩn cấp như cử cán bộ có thẩm quyền sang Hàn Quốc phối hợp với các bên liên quan để kiểm tra, xác minh danh tính thuyền viên bị tử nạn, mất tích và những thuyền viên được cứu sống. Đồng thời, đại diện các công ty phải liên hệ với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc (Ban Quản lý lao động), Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand để phối hợp giải quyết vụ việc. Các công ty phải thông báo tình hình vụ việc cho gia đình các nạn nhân và địa phương người lao động cư trú, đồng thời có chính sách hỗ trợ họ vượt qua những mất mát khó khăn hiện tại. Đặc biệt, các công ty phải phối hợp với các cơ quan chức năng để làm các thủ tục cần thiết đối với người lao động tử nạn hoặc mất tích. Các doanh nghiệp phải phối hợp với đối tác, chủ tàu thanh toán đầy đủ các khoản tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp và các chế độ phúc lợi khác cho người lao động và thực hiện các thủ tục đề nghị hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định hiện hành.

Bên cạnh những việc làm cần thiết trước mắt, các doanh nghiệp vẫn phải nắm sát tình hình, báo cáo kịp thời những diễn biến phát sinh với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và New Zealand để phối hợp giải quyết. Cho đến cuối giờ chiều ngày 14-12, các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc đã thông báo chính thức cho gia đình người lao động về sự việc nêu trên và đang cử cán bộ về địa phương chia buồn, động viên và hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho các gia đình có con em bị tử nạn hoặc mất tích.

Cũng trong chiều 14-12, ông Vũ Công Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài (LOD), đơn vị có 5 thuyền viên trên con tàu trên cho biết, trong số những người gặp nạn trên con tàu In Sung-1, số lao động do công ty đưa đi có 1 người chết và 1 người mất tích. Trên tinh thần chăm lo tốt nhất cho người lao động, công ty đang làm các thủ tục với chủ tàu Hàn Quốc và liên hệ với Bảo hiểm Dầu khí để giải quyết sớm và chu đáo chế độ cho người lao động và thân nhân của họ.

Ngọc Hải - Vũ Dung