Bao giờ được quan tâm?
Giáo dục - Ngày đăng : 07:21, 14/12/2010
Theo báo cáo mới nhất từ tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 thì nước ta có 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 7,8% dân số, trong đó có không ít người khiếm thính. Người khiếm thính luôn có nhu cầu được học tập, giao tiếp với những người xung quanh. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay số đầu sách dạy về ngôn ngữ ký hiệu quá ít, lại không được phổ biến rộng rãi khiến họ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Em Nguyễn Anh Tuấn, bị khiếm thính bẩm sinh ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho hay: "Em đã từng đi hết cửa hàng này đến cửa hàng khác mà vẫn không tìm được sách dạy ngôn ngữ ký hiệu. Mãi đến khi người quen giới thiệu, được tham gia lớp học ngôn ngữ ký hiệu, em mới có thể giao tiếp được với những người cùng cảnh, cuộc sống của em cũng thay đổi rất nhiều". Dù đã thành thạo ngôn ngữ ký hiệu, nhưng Tuấn vẫn ao ước, giá tài liệu, sách ngôn ngữ ký hiệu được phổ biến rộng rãi thì những người như em sẽ có nhiều cơ hội hơn trong học tập, giao tiếp.
Các cộng tác viên CLB Ngôn ngữ ký hiệu thể hiện bài hát dành tặng các bạn khiếm thính tại Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa. Ảnh: Tư liệu |
Chủ tịch Chi hội Người điếc Hà Nội Lê Văn Ánh cho biết, sách, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu quá ít và không phổ biến rộng rãi không chỉ gây khó khăn cho người khiếm thính mà ngay cả người bình thường cũng gặp phải trở ngại khi muốn giao tiếp với người khiếm thính. "Chi hội Người điếc Hà Nội có 360 hội viên, rất nhiều người gặp phải khó khăn khi giao tiếp với chính người thân của mình. Nhiều bậc phụ huynh của trẻ điếc, giáo viên dạy trẻ điếc, sinh viên... muốn tìm hiểu, học hỏi ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với những người điếc nhưng tìm mỏi mắt mà không mua nổi sách, tài liệu. Bản thân anh Ánh và vợ cũng bị khiếm thính nên vợ chồng anh đành phải giao cô con gái nhỏ cho ông bà nội dạy dỗ. Do thiếu sách, tài liệu về ngôn ngữ ký hiệu nên ông, bà dạy cháu để có thể nói chuyện với bố mẹ là hết sức khó khăn, vất vả.
Hiện chưa có con số thống kê chính xác về số lượng sách dạy ngôn ngữ ký hiệu, tài liệu về ngôn ngữ ký hiệu xuất bản hằng năm nhưng có thể khẳng định, số sách, tài liệu này không nhiều và chưa được bày bán rộng rãi. Tình trạng này có thể giải thích ngắn gọn trong hai chữ "lợi nhuận". Đầu tư vào SGK cho học sinh bình thường là một lĩnh vực siêu lợi nhuận nhưng đầu tư vào sách dạy ngôn ngữ ký hiệu thì hầu như không sinh lợi nhuận và vì thế có thể thấy cho đến nay nước ta chưa có một cơ sở nào xuất bản, in ấn sách dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính.
Điều này gây thiệt thòi cho người khiếm thính, gia đình, bạn bè họ.
Để khắc phục tình trạng trên, được sự tài trợ của Hội Người điếc Thụy Điển (SDR) và Hội Người khuyết tật Thụy Điển (SHIA), Chi hội Người điếc Hà Nội đã đứng ra mở các lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu, đồng thời thu thập, xây dựng bộ sách và bộ đĩa DVD từ điển ngôn ngữ ký hiệu. Đến nay, bộ sách và bộ đĩa DVD này đã hoàn thành, đã được in ấn và sắp tới sẽ phổ biến rộng rãi cho đội ngũ giáo viên dạy học sinh khiếm thính, cha mẹ trẻ khiếm thính, người nghe bình thường, người khiếm thính... Tuy nhiên, những cố gắng to lớn đó của Chi hội Người điếc Hà Nội là quá nhỏ bé so với nhu cầu của người khiếm thính cũng như các bậc phụ huynh có con không may bị khiếm thính. Họ rất cần một bộ quy chuẩn về ngôn ngữ ký hiệu, cần tài liệu ngôn ngữ ký hiệu để học tập, giao tiếp với nhau.