Việc nuôi con sau khi vợ chồng ly hôn
Xã hội - Ngày đăng : 07:16, 14/12/2010
Lê Thị Lan
Luật gia Minh Nguyệt (Chi hội Luật gia Công ty Luật số 5 Quốc gia, web: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (Luật Hôn nhân và Gia đình) quy định: "Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; "nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác". Căn cứ nội dung điều luật viện dẫn trên, vợ chồng chị Lê Thị Lan có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết, theo nguyên tắc, con nhỏ của chị mới 2 tuổi rưỡi, sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, còn con lớn 10 tuổi, việc thỏa thuận hoặc quyết định ai là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu phải xem xét đến nguyện vọng của cháu xem cháu muốn sống với ai.
Việc chăm sóc, thăm nom con sau khi vợ chồng ly hôn căn cứ quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình: "Nếu cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết". Quyền thăm nom con sau khi vợ chồng ly hôn được quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình: "Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này". Tuy nhiên, nếu người không trực tiếp nuôi con lạm dụng quyền này gây ảnh hưởng xấu đến con hoặc làm cản trở việc chăm sóc, giáo dục con, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật là "hạn chế quyền thăm nom con" của người đó.