Kiểm và tra... đều yếu
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:09, 14/12/2010
Kết quả đã phát hiện 114 xe trong tổng số 343 xe bị kiểm tra đột xuất trên đường không đạt tiêu chuẩn khí thải, chiếm 33,2% số phương tiện bị kiểm tra, tỷ lệ không đạt của xe khách liên tỉnh là 34,3%, của xe buýt là 31,5%.
Đằng sau những con số khô khan đó là hàng loạt vấn đề đáng suy nghĩ.
Có rất nhiều lĩnh vực đang tồn tại những bất cập. Phân tích ra, một trong những nguyên nhân thường được viện dẫn là luật và những quy định dưới luật còn những kẽ hở bị lợi dụng, chế tài chưa đủ sức răn đe, lực lượng thực hiện chức năng quản lý nhà nước mỏng... Vậy trong lĩnh vực cụ thể này là thế nào? Trước hết, Luật Môi trường có hiệu lực từ cuối năm 2005, vậy mà 5 năm sau, lực lượng liên ngành cả một năm chỉ kiểm tra được hơn 300 chiếc xe khách và xe buýt (trung bình mỗi ngày chưa được... một chiếc). Xem ra, nếu riêng lực lượng Cảnh sát Giao thông vào cuộc (tất nhiên với đầy đủ trang thiết bị để kiểm tra các thông số khí thải) thì con số trên chả thấm tháp vào đâu. Điều đó có nghĩa là số xe bị kiểm tra còn quá ít trong tổng số lượng xe khách, xe buýt đang lưu hành hiện nay. Vậy nên, số xe không đạt tiêu chuẩn trên thực tế còn rất nhiều mà chưa từng bị ai... "sờ gáy". Mặt khác, theo quy định của Luật, những xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể bị xử lý phạt theo khung từ 100 đến 200 nghìn đồng. Nhiều cán bộ làm công tác này cho rằng, mức phạt đó chưa đủ để răn đe các tài xế. Nhưng xin thưa, cũng theo quy định của Luật, các xe vi phạm phải được khắc phục, sửa chữa cho tới khi đạt tiêu chuẩn mới được phép lưu hành tiếp. Song kỳ lạ là chả thấy lái xe nào than vãn bị giữ xe vì không đạt tiêu chuẩn khí thải. Tại sao lại như vậy? Không ai giải thích nhưng chắc không ít người hiểu... vấn đề tế nhị này. Thực thi luật pháp còn hời hợt cả trong kiểm tra, hời hợt cả trong xử lý thì làm sao có thể phát huy tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm? Vậy nên cũng không có gì lạ và không cần phải đi đâu xa, hằng ngày lực lượng liên ngành chỉ cần "chịu khó" vòng quanh thành phố, e rằng không đủ sức lập biên bản và xử lý xe khách không đạt tiêu chuẩn khí thải.
Tại các trung tâm đăng kiểm, qua kiểm tra định kỳ, số xe khách, xe buýt không đạt tiêu chuẩn về khí thải chỉ ở mức trên dưới 10%. Tỷ lệ đó thấp hơn rất nhiều tỷ lệ xe không đạt tiêu chuẩn khí thải bị phát hiện qua kiểm tra bất thường của các đoàn công tác liên ngành (33,2%). Thực tế đó nói lên điều gì? Lâu nay người ta vẫn ì xèo chuyện tiêu cực trong cấp bằng lái xe hoặc đưa xe đi đăng kiểm, rồi cái điệp khúc ngành chức năng nêu ra là khó "bắt tận tay, day tận trán". Vậy thì bây giờ, tang chứng, vật chứng có cả, xem những chiếc xe đó đăng kiểm ở đâu, tìm hiểu tại sao đăng kiểm xong, được phép lưu thông mà vẫn không đạt tiêu chuẩn về khí thải... Nếu trả lời được những câu hỏi ấy thì vấn đề lớn hơn là tiêu cực ở đâu lo gì không có lời giải.
Môi trường hiện nay là vấn đề nóng bỏng của toàn cầu bởi nó liên quan trực tiếp tới điều kiện sống, sức khỏe, tính mạng của người dân. Tuy nhiên khi những người làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn thực thi công vụ với thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm như vậy thì người dân phải "tập" sống chung với bầu không khí bị ô nhiễm cũng không có gì lạ. Không biết trong lĩnh vực cụ thể này người ta còn viện dẫn ra lý do gì để chống chế?