Chạy đua kinh tế Trung - Nhật: Chỉ là hình thức?

Thế giới - Ngày đăng : 07:57, 13/12/2010

(HNM) - Cuộc đua giành vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn diễn ra rất kịch tính. Không lâu sau thông báo người khổng lồ mới nổi của châu Á đã soán ngôi vị á quân của Nhật Bản trong quý III, Văn phòng Nội các đất nước Mặt trời mọc vừa khẳng định nền kinh tế xứ Hoa anh đào vẫn không tụt hạng trong 9 tháng của năm 2010.

Trung Quốc đang đối mặt với lạm phát cao sau nhiều năm tăng trưởng nóng.


Giải thích cho thông tin này, Chính phủ Nhật Bản cho biết, nền kinh tế nước này tiếp tục đạt tăng trưởng mạnh trong khi nhiều phần còn lại của thế giới đang vật vã trong cơn suy thoái. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Trung Quốc trong quý III đạt 1,42 ngàn tỷ USD, cao hơn so với con số 1,37 ngàn tỷ USD của Nhật Bản. Tuy nhiên, tính trong 9 tháng đầu năm, GDP của xứ Phù Tang đạt 3,96 ngàn tỷ USD trong khi con số này của quốc gia đông dân nhất thế giới là 3,95 ngàn tỷ USD. Những số liệu đó đồng nghĩa với việc cho dù đã liên tiếp "qua mặt" Nhật Bản trong hai quý liền, Trung Quốc vẫn chưa thực sự chinh phục được đỉnh cao để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới mà Nhật Bản nắm giữ suốt 42 năm qua.

Tuy nhiên, với sự cách biệt rất lớn về tốc độ tăng trưởng với dự báo 10% của Trung Quốc trong khi Nhật Bản chỉ là 2 đến 3%, nền kinh tế của quốc gia mới trỗi dậy rất có khả năng sẽ lớn hơn Nhật Bản trong ít ngày cuối năm 2010. Trên thực tế, cho dù đã thoát khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng năm 2009, những nỗ lực hồi sinh nền kinh tế của Chính phủ Nhật Bản vẫn như muối bỏ bể khi giảm phát kéo dài, nợ công cao, xuất khẩu giảm tốc, nhu cầu nội địa vẫn ảm đạm và đồng yen mạnh vẫn là mối bận tâm lớn của các nhà làm chính sách.

Sau ba thập niên phát triển rực rỡ mang lại những thay đổi toàn diện về kinh tế, xã hội và ảnh hưởng toàn cầu, Trung Quốc lần lượt vượt qua Đức, Pháp, Anh… và rút ngắn khoảng cách đầy ngoạn mục so với Nhật Bản chỉ trong một thời gian không dài. Chưa đầy 5 năm trước, GDP của Trung Quốc chỉ bằng một nửa của Nhật Bản, nhưng con số này đã có những số dư trong từng thời điểm gần đây. Nhiều nhà kinh tế cũng đã nói tới kịch bản lạc quan khi quốc gia đông dân nhất hành tinh sẽ giành ngôi bá chủ kinh tế từ Mỹ vào năm 2030.

Mặc dù vậy, phía sau ánh hào quang đó không chỉ là màu hồng. Cho dù đã cân sức cân tài với Nhật Bản, bước nhảy vọt của Trung Quốc vẫn chỉ là đang trong quá trình chuyển dịch từ một nước đang phát triển sang một cường quốc và nước này vẫn chỉ là một quốc gia đang trỗi dậy. Gánh 1/5 dân số thế giới, mức thu nhập bình quân theo đầu người của Trung Quốc đối lập với GDP đầy ấn tượng, mới vào khoảng 3.600 USD và cùng "đẳng cấp" với các quốc gia Algeria, El Salvador, Albania… Đó là sự cách biệt quá lớn với mức 37.000 USD của Nhật Bản hay 42.240 USD của Mỹ.

Ngoài sự xa cách trong chỉ số quan trọng đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều mặt trái của nền kinh tế phát triển quá nóng. Sự mất cân đối về phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền… đã nới rộng khoảng cách thu nhập đang gây áp lực đối với sự ổn định của nền kinh tế. Chất lượng phát triển cũng đang chịu sức ép bởi tình trạng lạm phát cao, cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, tình trạng bong bóng trên thị trường bất động sản hay tăng trưởng tín dụng quá nóng... Những yếu tố này được nhìn nhận là những nguy cơ tiềm tàng mà nếu không được ứng phó tốt sẽ biến tăng trưởng thành con số vô nghĩa. Bài học phát triển của Nhật Bản chắc hẳn là ví dụ xương máu. Sự vươn dậy thần kỳ từ đống tro tàn chiến tranh thành nền kinh tế số hai thế giới trong nhiều thập niên đã khiến nhiều nhà phân tích kinh tế tin rằng xứ sở Hoa anh đào sẽ nhanh chóng vượt mặt "chú Sam". Thế nhưng, bước chuyển thần tốc được xem như hình mẫu về tăng trưởng của xứ Phù Tang đã chuyển thành bong bóng bất động sản khổng lồ hồi những năm 1980 trước khi nổ tung vào năm 1991, kéo theo một thập kỷ đình đốn kinh tế.

Cũng nên nhớ rằng, vào thời điểm đó, Nhật Bản đã là một quốc gia phát triển trong khi Trung Quốc trong thời điểm hiện nay còn phải cần nhiều thời gian để đạt được điều đó. Do vậy, quốc gia "tỷ dân" sẽ còn nhiều việc phải làm để trở thành một người khổng lồ thực sự khi vừa bước vào guồng quay của một sân chơi lớn với các cường quốc kinh tế. Thách thức tăng trưởng vẫn ở đâu đó trên Vạn Lý Trường Thành và cuộc đua giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đang là bài học kinh nghiệm lớn cho các nền kinh tế.

Vân Khanh