Hỗ trợ thanh niên ở các khu công nghiệp, chế xuất thế nào?

Đời sống - Ngày đăng : 09:18, 12/12/2010

(HNM) - Theo thống kê, tại 6 khu công nghiệp, chế xuất (KCN, CX) tập trung trên địa bàn TP Hà Nội, hiện có khoảng 80 nghìn công nhân, lao động (CNLĐ), đa số trong độ tuổi thanh niên. Để hỗ trợ, chăm lo cho đối tượng này, mới đây, Thành đoàn, Hội LHTN TP Hà Nội đã tổ chức khảo sát thực trạng, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và tìm giải pháp.


"Bão giá", đã khó càng thêm khó

Thanh niên làm việc tại các KCN cần được quan tâm, chăm lo tốt đến đời sống vật chất và tinh thần. Ảnh: Ngọc Linh

Kết quả khảo sát tại xã Kim Chung và Hải Bối (huyện Đông Anh); xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất) cho thấy, thanh niên công nhân có trình độ THPT đạt 87% (trình độ ĐH, CĐ chỉ chiếm 10% và đa số đảm nhận ngành nghề kế toán, quản lý, kỹ thuật). Lao động phổ thông mức thu nhập bình quân từ 1 đến 2 triệu đồng/người/tháng, chỉ có 8% có mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập thấp, không ổn định, trang trải sinh hoạt thiết yếu hằng ngày gặp khó khăn, vì thế phần lớn họ không thể hiện ý chí, nguyện vọng về địa vị xã hội, các giá trị vật chất cao như mua sắm phương tiện (xe máy, ti vi…).

Chị Trương Thị Mai (quê ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), làm công nhân may ở KCN Bắc Thăng Long cho biết: ''Với mức thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng, chi cho thuê nhà trọ, ăn uống cũng hết già nửa. Song vì gia đình nghèo nên mình vẫn cố bám trụ để chắt bóp phụ giúp gia đình. Muốn có thêm thu nhập thì phải làm tăng ca, hết giờ làm chỉ biết ngủ bù cho lại sức". Chị Nguyễn Thanh Vân (quê ở tỉnh Vĩnh Phúc), công nhân Công ty Canon - KCN Bắc Thăng Long may mắn hơn khi không phải thuê nhà ở ngoài, mà được ở khu nhà lưu xá dành cho công nhân (mỗi tháng 70 nghìn đồng thuê trọ). Tuy nhiên, số tiền lương thử việc hơn 1 triệu đồng cũng chẳng đủ chi tiêu trong khi cái gì cũng tăng giá, vì thế, chị Vân chấp nhận làm tăng ca để thêm thu nhập. Trường hợp của hai chị Mai và Vân cũng là hoàn cảnh của nhiều công nhân đang làm việc tại các KCN, CX ở Hà Nội. Áp lực công việc, lương hạn hẹp trong thời kỳ "bão giá" khiến đời sống của họ thêm khó khăn, thiếu thốn.

Anh Nguyễn Hồng Dân, Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội cho biết: Mặc dù đời sống eo hẹp nhưng khi được hỏi có mong muốn có một tổ chức để sinh hoạt như Đoàn Thanh niên, Hội LHTN thì có đến 95% thanh niên khẳng định muốn được tham gia hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội. Chính vì thế mà sau đợt khảo sát, Thành đoàn Hà Nội đã xây dựng đề án "Tăng cường các hoạt động hỗ trợ thanh niên công nhân KCN, CX trên địa bàn Hà Nội", nhằm nâng cao ý thức pháp luật, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh và học tập cho thanh niên công nhân. Bên cạnh chức năng đoàn kết, tập hợp, tổ chức Đoàn, Hội còn vận động, tuyên truyền, góp phần thúc đẩy thi đua lao động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ đào tạo nguồn lao động trẻ có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong KCN, CX.

Cách thức hỗ trợ hiệu quả


Anh Nguyễn Mạnh Đạt, Phó ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Thành đoàn Hà Nội cho biết: Từ giữa năm 2010 đến nay, Thành đoàn, Hội LHTN TP Hà Nội đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên tại các KCN, CX như "Phiên chợ công nhân", bán hàng giá rẻ; các đêm biểu diễn văn nghệ và nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo công nhân. Ngoài ra, Hội LHTN còn quan tâm, tặng quà cho hàng trăm công nhân nghèo, thu nhập thấp… và nhận được sự phản hồi tích cực, tạo động lực khích lệ, động viên họ tiếp tục hăng say lao động, sản xuất.

Chị Dương Thị Nhung (công nhân Công ty TNHH Sumittomo - KCN Bắc Thăng Long) cho biết: "Việc bán hàng giá ưu đãi giảm từ 10-50%; hoạt động tư vấn pháp luật, tâm lý, hướng nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giới tính, tình cảm và đặc biệt là các chương trình biểu diễn nghệ thuật miễn phí với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ, nhóm hài, ảo thuật gia, nhóm nhảy hiphop đã giúp công nhân có thêm kiến thức pháp luật, cải thiện đời sống tinh thần". Chị Nguyễn Thanh Vân cũng chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi được nghe tư vấn tình cảm cũng như về sức khỏe sinh sản, được trang bị kiến thức thực sự bổ ích. Mong rằng tổ chức Đoàn, Hội thường xuyên có hoạt động thiết thực như thế này vào cuối tuần".

Để giúp đỡ thanh niên công nhân tại KCN, CX, Thành đoàn Hà Nội đã đề xuất và được TP Hà Nội đồng ý chủ trương thành lập tổ chức Đoàn, Hội chuyên trách tại KCN,CX (tương đương cấp quận, huyện), nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động trẻ. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Hồng Dân, Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội thì một mình Đoàn, Hội làm không xuể. Vì vậy, tới đây Thành đoàn, Hội LHTN TP sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể của TP cùng vào cuộc, nhằm giáo dục, bồi dưỡng, phát huy tiềm năng của thanh niên. Qua đó, tạo điều kiện cho thanh niên lao động, rèn luyện, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần hạn chế tình trạng đình công, lãn công trái pháp luật, tạo môi trường tốt thu hút đầu tư và nguồn lao động chất lượng ở các KCN, CX.

Việt Tuấn