Đánh đường tìm hoa

Văn hóa - Ngày đăng : 08:55, 12/12/2010

(HNM) - Cuốn sách dày hơn 300 trang của PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái (giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV Hà Nội) mở ra thế giới chân dung nghệ sỹ, như thể mỗi nhân vật là một mẫu hoa mà tác giả kỳ công “gom” lại.


Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải nhận xét về “Đánh đường tìm hoa” rằng: Bằng tình yêu rất nồng nàn, nóng bỏng, Nguyễn Thị Minh Thái tha thiết dắt bạn đọc đi theo, trò chuyện, nhìn ngắm, nghĩ ngợi về nhiều thi sĩ văn nhân đặc biệt và các tác phẩm lớn của họ. Đi theo trò chuyện của Nguyễn Thị Minh Thái, ta được ngó nghiêng, suy ngẫm nhiều vấn đề sáng tạo nghệ thuật, vừa bác học vừa say đắm như thi nhân.

“Đánh đường tìm hoa” do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành, chia làm hai phần: Vì Hoa nên phải đánh đường tìm Hoa và Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình. Đây là một tập hợp lớn những vấn đề về văn hóa - nghệ thuật thông qua cuộc đời, tác phẩm của những nghệ sỹ nổi tiếng, biểu tượng văn hóa của nhiều giai đoạn. Và những “hoa” được chiêm ngắm là Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Văn Cao, Hoàng Cầm, Nguyễn Ðình Thi, Trịnh Công Sơn, Đỗ Huân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đình Nghi, Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Xuân Quỳnh; các tác giả đang ở độ chín của sự nghiệp như Lê Hùng, Nguyễn Quang Thiều, Lê Thiết Cương... Đó còn là chợ hoa đào Hàng Lược, chiếc áo dài Việt, cái đèn dầu Việt, cái yếm đào Việt... Phía sau những con người, bức tranh ấy là những nông nỗi của con đường, số phận nghệ thuật, của giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa mà với những thăng trầm thế sự chìm nổi thời gian nay chỉ còn lại trong ký ức của người đương thời.

“Đánh đường tìm hoa” là một sản phẩm không thể trộn lẫn của Nguyễn Thị Minh Thái. Nói vậy bởi tác giả của nó vốn “sắm” nhiều vai: nhà phê bình nghiên cứu văn học và sân khấu, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo, nhà giáo... và vai nào cũng có dấu ấn nhất định, nên lời văn được Nguyễn Thị Minh Thái gửi vào đó kiến thức văn hóa, nghệ thuật rất chắc. Trên tầng bậc chữ nghĩa là cảm xúc bay bổng, hàm chứa nhiều yếu tố riêng, hấp dẫn người đọc.

Đan Nhiễm