Dấu ấn thời đại còn là ẩn số
Văn hóa - Ngày đăng : 08:46, 12/12/2010
Đã đi, nhưng chưa đến
Nhìn vào Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 có thể thấy, số lượng tác phẩm tham gia ở mức lớn nhất trong 18 lần tổ chức. Việc chấm, chọn tác phẩm trưng bày không theo tiêu chí "cào bằng", khiến chất lượng tác phẩm được chọn triển lãm cao hơn hẳn. Buổi hội thảo diễn ra sau triển lãm mở cửa 10 ngày, do đó, cái nhìn của các nhà chuyên môn về nền mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm qua cũng kỹ càng hơn.
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: "Giai đoạn này, lớp họa sĩ trẻ của thế hệ đổi mới chiếm số đông và chính họ là chìa khóa để Mỹ thuật Việt Nam hội nhập và phát triển". Họa sĩ trẻ có điều kiện học tập tốt, tiếp cận thông tin nhanh, có ý tưởng táo bạo, dễ bắt vào trào lưu, sớm đi vào sáng tác, thể nghiệm những điều mình muốn. Họ đã "đi", nhưng đến đâu rồi thì còn phải bàn.
Các tác giả trẻ đã tìm cách đổi mới cách thể hiện, tìm kiếm màu sắc, tận dụng công nghệ mới, nhưng có vẻ đa số vẫn loay hoay thể nghiệm hơn là đã tìm ra đường. Phần nhiều sáng tác có đề tài gần gũi cuộc sống châu Á với bao thăng trầm: chiến tranh, hòa bình, cuộc sống lam lũ, môi trường đe dọa… Nhưng các tác phẩm vẫn chỉ đem lại cảm giác "bình lặng", tuy rằng không còn theo lối mòn cũ. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nói: "Khát vọng đổi mới là mục đích của sáng tác đương đại. Nhưng những hạn chế trong nhận thức, tri thức khiến sáng tác của các họa sĩ thời đại mới vẫn chưa đi đến hoàn hảo. Chúng quá nhạt nhòa trong sự va đập đa chiều của hội họa đương đại".
Mỹ thuật có vẻ đang trầm lắng. Tuy không khuyến khích sự ào ạt trưng bày, triển lãm, những tuyên ngôn gây "sốc" nhưng diện mạo mỹ thuật mang dấu ấn thời kỳ đổi mới vẫn chưa rõ nét. Cả triển lãm có hơn 830 tác phẩm mà khó tìm khoảnh khắc rung động như khi đứng trước tranh của Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn... - những tác phẩm mang rõ dấu ấn của thời đại họ sống. Những tác phẩm vào giải cũng chưa cho thấy độ ổn định trong bút pháp, ngôn ngữ nghệ thuật.
Không thể thiếu lòng tự trọng
Nhiều ý kiến cho rằng, triển lãm thiếu "đất" cho các tác phẩm nghệ thuật công nghệ mới. Chỉ có 8 tác phẩm sắp đặt, video art, digital art… tham dự và 4 tác phẩm được chọn trưng bày, chưa phản ánh được đời sống "ồn ào" với bao dự án cá nhân, liên kết với nước ngoài của nghệ sĩ tạo hình đương đại. Tuy nhiên: "Sự ra đời, phát triển của những loại hình nghệ thuật trên rất đáng hoan nghênh và đó là biểu hiện của thời hội nhập do lớp trẻ nắm giữ. Nhưng nghệ thuật "ngại" tư duy, muốn gửi thông điệp nhanh đang là nhu cầu có thực và mang chiều hướng lấn lướt nghệ thuật chân chính" - nhà phê bình mỹ thuật Trần Thức cảnh báo.
Nhìn ra thế giới, các nước phát triển hơn ta rất nhiều, như Tây Âu, Bắc Mỹ… nghệ thuật mới ra đời nhưng tranh và tượng vẫn tồn tại ở vị thế "thượng lưu". Nhật Bản, với nền công nghiệp hàng đầu thế giới, nghệ sĩ của họ vẫn tìm về nghệ thuật truyền thống. Với Việt Nam, điều mỹ thuật cần là một diện mạo mới, riêng, có chiều sâu và dấu ấn rõ rệt. Các nghệ sĩ đương đại nên bình tĩnh tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật mới, không nên "chạy đua".
Điều cần lưu tâm trong thời kỳ hội nhập là ý thức tự trọng nghề nghiệp. Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa tỏ ra xót xa khi đặt vấn đề: "Lòng tự trọng có đáng đặt lên hàng đầu đối với một nghệ sĩ chuyên nghiệp không?". Bởi theo họa sĩ dẫn chứng, với con mắt của một nhà chuyên môn, rất nhiều tác phẩm sử dụng chất liệu "giả" để thể hiện tác phẩm; ghi tác phẩm điêu khắc gỗ, đồng, kim loại nhưng thật ra chúng được "đổ" bằng composite. Một số tranh, tưởng là khắc gỗ, khá đẹp nhưng thực ra chúng được tạo hình không phải bằng cách khắc từng chi tiết trên gỗ mà đúc bột màu cho khô và in lên. Có tác phẩm thực hiện trên máy tính và in trên lụa, nhưng vẫn đề là "tranh lụa"… Sử dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật trong sáng tác sẽ bớt thời gian, tiền bạc, công sức thì đáng khuyến khích. Nhưng nếu không có sự trung thực, ý thức về nghề chân chính, người xem sẽ thất vọng.
Sự hội nhập ngày càng sâu rộng ảnh hưởng đến nghệ sĩ. Một nghệ sĩ mỹ thuật chân chính, dù ở thời đại nào cũng cần phải đặt lòng tự trọng nghề nghiệp lên hàng đầu.