Một thỏa hiệp “vừa sức”
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 08:37, 12/12/2010
Nổi bật nhất trong thỏa hiệp vừa đạt được giữa các nước là thiết lập công cụ tài chính mới có tên gọi không chính thức là "Quỹ Xanh LHQ" trị giá 100 tỷ USD. Quỹ này nhằm giúp các nước nghèo đối phó với tác hại của biến đổi khí hậu (BĐKH), hỗ trợ tài chính các nước nhiệt đới bảo vệ rừng, khuyến khích chuyển giao công nghệ xanh - sạch, thống nhất các biện pháp chống BĐKH và cơ chế giám sát giữa các nước.
Toàn cảnh hội nghị COP 16. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Như vậy, cái nút mà COP 16 cần tháo gỡ tại Cancun năm nay là hoàn thành lộ trình về một thỏa thuận toàn cầu mới thay thế Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012 và quá trình cắt giảm lượng khí thải theo cơ chế Hợp tác hành động lâu dài (LCA) chưa thể có một kết thúc có hậu.
Thực tế từ kết quả nghèo nàn tại COP 15 năm ngoái ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đã là một bài học lớn cho thế giới vì những bất đồng không thể vượt qua giữa hai nhóm các nước giàu và nghèo. Do đó, Cancun năm nay đã chứng kiến một "cuộc đua" đến phút cuối của các nước và chỉ khi Cancun đã lên đèn mới có được kết quả như đã nêu.
Trong khi đó, tình trạng BĐKH đang hằng ngày gây hậu quả nghiêm trọng về người và của khắp nơi trên thế giới. Đây là một đòi hỏi khẩn thiết buộc các nước phải sớm "đồng bộ" các biện pháp đối phó. Vì vậy, cộng đồng quốc tế đã trông đợi ở Cancun một khoảng cách được thu hẹp và đạt được tiếng nói chung. Để tránh một đổ vỡ tại Cancun, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon đã thúc giục đại diện của 190 quốc gia tham dự cố tìm kiếm một thỏa hiệp. Tuy nhiên, Hội nghị Cancun đã lại không thể vượt qua được những bất đồng giữa hai thế giới giàu và nghèo để đi đến một giải pháp toàn diện trong cuộc chiến chống BĐKH.
Tại Cancun, các nước Nhật Bản, Nga và Canada, đặc biệt là Nhật Bản và Canada dứt khoát không chấp nhận triển hạn Nghị định thư Kyoto và đòi có một hiệp ước mới có sự tham dự của những nước đang phát triển cùng chia sẻ "trách nhiệm". Lý do Nhật Bản đưa ra là thật không công bằng khi Tokyo tự trói buộc vào các hiệp ước môi trường khi 2 nhà sản xuất khí thải lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc chỉ đứng bên lề.
Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển lại không thể đưa ra cam kết ràng buộc pháp lý khi các nước phát triển tiếp tục từ chối thông qua Nghị định thư Kyoto như một lảng tránh trách nhiệm trước hậu quả của BĐKH. Điều đáng lưu ý là Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới - đã nhấn mạnh "trách nhiệm lịch sử" của các nước giàu, đứng đầu là Mỹ, phải làm gương cắt giảm khí thải và cung cấp tài chính, công nghệ cho các nước nghèo. Bắc Kinh cũng cảnh báo rằng những đòi hỏi quá đáng của các nước phát triển với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay các nước đang phát triển khác là cách đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận thế giới trước trách nhiệm của các nước phát triển về khí thải trong quá trình phát triển công nghiệp của họ. Trên thực tế, Trung Quốc đã cam kết giảm mức độ phát thải (lượng khí CO2 thải ra tính theo đơn vị GDP) ở mức 40% từ nay đến năm 2020 so với mức của năm 2005. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Trung Quốc trong tháng 9-2010 đã quyết định đóng cửa một loạt xí nghiệp tiêu thụ quá nhiều năng lượng. Tuy nhiên, Trung Quốc không chấp nhận đưa ra một con số cụ thể về lượng khí thải cắt giảm vì nếu đưa ra cam kết ràng buộc sẽ gây trở ngại cho tăng trưởng. Trung Quốc chỉ chấp nhận điều này nếu các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ phải nhượng bộ. Xung đột lợi ích đã đẩy các bên vừa tề tựu ở Cancun lâm vào "ngõ cụt" khi bên nào cũng chỉ muốn cam kết ít và đòi bên kia hành động nhiều hơn.
Cách đây đúng một năm, kỳ vọng về một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto đã tan thành mây khói tại COP 15 ở Copenhagen, Đan Mạch. Do đó, một kết quả dù quá khiêm tốn như vừa đạt được tại Cancun cũng được xem là tích cực, vừa đủ an ủi nỗi thất vọng của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, hậu quả nhãn tiền của BĐKH là lũ lụt, hạn hán và bão tố... với sức tàn phá khủng khiếp đang tác động đến hầu hết các ngõ ngách trên thế giới. Kỷ lục lạnh mới được thiết lập ở châu Âu với cảnh băng tuyết dày đặc, đường bộ tắc nghẽn, hàng trăm chuyến bay bị hủy… xem ra chưa phải là kỷ lục cuối cùng. Và thế giới lại phải "sống chung" với BĐKH mà chưa có một giải pháp toàn diện ít nhất là cho tới COP 17 dự kiến diễn ra tại thành phố Durban của Nam Phi vào năm tới.