Sâu và… sát
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:02, 12/12/2010
Mặc dù rất cố gắng nhưng Chính phủ khó có thể giữ lạm phát năm nay ở mức một con số theo nghị quyết của Quốc hội. Ngoài nguyên nhân rất quan trọng mà bao năm nay chúng ta chưa giải quyết được là một nước muốn phát triển, phải sản xuất đúng nghĩa chứ không thể chỉ gia công, bên cạnh đó, còn có hai nguyên nhân khác cũng rất quan trọng:
1. Một số văn bản pháp lý chưa dựa trên cơ sở thực tế, tức là chưa được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu thực trạng xã hội, tâm lý người dân..., mà vẫn chỉ trên ý muốn chủ quan.
2. Thị trường tiền tệ là thị trường nhạy cảm, nhưng việc quản lý, điều hành có thời điểm còn chưa chuẩn mực, việc tăng hay giảm lãi suất còn mang tính đối phó nhất thời một cách thụ động.
Trở lại câu chuyện ban đầu. Nhà SM ở Hà Nội từ đâu mà ra và có thể xóa được không? Xóa không khó nếu chịu khó tìm hiểu rõ ràng nó thuộc về những ai và những ai liên quan tới nó. Nhưng chuyện không ở chỗ đó. Tại sao có SM và liệu hiện tượng đó có tiếp diễn nếu các tuyến phố mới sẽ lại được cải tạo, xây dựng trên cơ sở những phố, những ngõ đã có? Câu trả lời là chắc chắn sẽ có nếu như quy định về diện tích nhà tối thiểu không thay đổi. Quy định hiện hành đại để thế này: Diện tích sàn dưới 16m2 sẽ không được xây. Thế 17, hoặc hơn nữa là 20m2 chắc chắn được xây! Để không có nhà SM thì thay vì diện tích xây dựng chỉ cần quy định chiều dài và rộng, tức chiều ngang (mặt tiền) và chiều rộng (sâu) tối thiểu phải bao nhiêu? Sâu không đủ 4m (trên diện tích tối thiểu 16m2) không được xây. Quy định vậy còn đâu SM? Nhưng vẫn không thấy quy định như vậy.
Trở lại chuyện lãi suất. Bất chấp quy định của Ngân hàng trung ương, Techcombank vẫn tăng lãi suất huy động lên 17%; tiếp theo tiếng kèn xung trận đó, các ngân hàng thương mại khác cũng chuẩn bị tiến lên. Đã có cảnh báo là lãi suất có thể lên tới 19%!... Rồi bị thổi còi và các ngân hàng dừng. Nhưng họ có thực sự dừng khi các chiêu khuyến mãi, thưởng... vẫn được áp dụng, nghĩa là "lệ làng" đã được sử dụng để lách "phép vua"...
Qua những thực trạng trên có thể thấy nhiều văn bản pháp lý của chúng ta chưa sát thực tế nên rất khó thực hiện. Mười năm trước, để không xảy ra tình trạng nhà SM, HĐND thành phố đã ra Nghị quyết 09 nhưng suốt từng ấy thời gian cho đến nay, nhà SM vẫn xuất hiện, điều đó cho thấy văn bản, quy định vẫn chưa thể phát huy hiệu lực trong thực tế đời sống.
Rồi chính sách tiền tệ hiện tại chưa hợp lý, nhưng các ngân hàng thương mại cũng góp phần làm rối thêm bằng cách "đèn nhà ai nhà ấy rạng". Đó có phải là cách làm ăn hiện nay, thế kỷ hội nhập, vươn lên, đưa đất nước ngang tầm thời đại?
Nêu những vấn đề trên để thấy văn bản, chỉ thị đã ban hành thì phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống và trách nhiệm thực thi của các ngành chức năng, của từng cá nhân phải rõ ràng, cụ thể. Có vậy mới giải quyết được tình trạng "lệnh" chỉ có hiệu lực trên giấy, còn trách nhiệm thi là của chung, không biết quy kết cho ai, cấp nào?