Áp lực đè nặng học đường

Thế giới - Ngày đăng : 06:05, 11/12/2010

(HNM) - Những trận bão tuyết buốt giá suốt một tuần qua ở châu Âu không hề làm giảm sức nóng từ các cuộc biểu tình của sinh viên Anh quốc tại nhiều thành phố của nước này nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu do Chính phủ đề xuất.

Cơn thịnh nộ của giới học đường lên đến đỉnh điểm vào đêm 9-12 (giờ Việt Nam) sau khi Hạ viện Anh chấp thuận thông qua kế hoạch tăng mức học phí lên gấp đôi, thậm chí gấp ba với số phiếu chênh lệch rất thấp. Như vậy, đến năm 2012, mức học phí ở bậc đại học tại Anh có thể leo lên tới 9.000 bảng (tương đương 14.000 USD/năm).

Biểu tình đã biến thành bạo động tại Luân Đôn đêm 9-12.

Trong cơn giận dữ, các sinh viên đã phá hoại nhiều tòa nhà và đánh nhau với cảnh sát trên đường phố ở trung tâm thủ đô Luân Đôn. Gần 70 người, cả bên biểu tình lẫn lực lượng an ninh đã bị thương trong vụ này. Nghiêm trọng hơn, chiếc Rolls Royce chở Thái tử Anh Charles và phu nhân đi ngang qua khu vực phía Tây Luân Đôn khi trên đường đến một nhà hát đã trở thành mục tiêu để các sinh viên trút giận. Khoảng 20 người đã dùng nắm đấm, chai lọ và gậy đập vỡ kính cửa sổ và phun đầy sơn lên chiếc xe đắt giá này. Mặc dù, sau đó Thái tử Charles và phu nhân đã được đưa ra khỏi đám đông quá khích an toàn nhưng vụ việc đã đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về lỗ hổng an ninh tại đảo quốc Sương mù. Hiện tại, cảnh sát đã bắt giữ 20 người và có thể triệu tập thêm để làm rõ động cơ của vụ tấn công là vô tình hay kế hoạch được lập ra từ trước.

Ngoài cú "tăng tốc" học phí gây "sốc" cho các sinh viên, trong chiến dịch "thắt lưng buộc bụng" để đối phó với cơn bão nợ đang hoành hành khắp châu lục, Chính phủ Anh cũng sẽ cắt giảm 40% ngân sách giáo dục đại học trong tổng chi tiêu. Hiện tại, sinh viên tốt nghiệp đại học ở Anh không phải trả nợ học phí nếu thu nhập hằng năm của họ dưới ngưỡng 15.000 bảng Anh. Nhưng theo kiến nghị của Chính phủ, ngưỡng thu nhập mới sẽ là 21.000 bảng Anh. Đồng thời, lãi suất cho vay học phí được Nhà nước trợ cấp 1,5% hiện nay cũng sẽ được nâng lên bằng với chi phí vay tiền Nhà nước phải trả, hiện đang ở mức 2,2% và sau đó lại còn phải cộng thêm hệ số lạm phát. Về số năm trả nợ học phí, trước khi được xóa nợ, cũng được kiến nghị tăng từ 25 năm lên 30 năm.

Một nghiên cứu của Hiệp hội Sinh viên quốc gia và Ngân hàng HSBC ước tính sẽ có gần 80% số học sinh Anh quốc bị tước mất cơ hội học đại học nếu học phí tăng lên 10.000 bảng/năm. Vì ngay trong bối cảnh hiện nay, đã có hơn 50% sinh viên không thể tìm được việc làm ngoài giờ học đủ để trang trải học phí chứ chưa nói gì đến việc tăng lên gấp đôi, gấp ba như một sáng kiến của nội các Anh nhằm lấp lỗ hổng ngân sách. Đây cũng sẽ là một "đòn trời giáng" vào sinh viên các nước đang phát triển đã và đang có dự định tới Anh để học vì phần lớn túi tiền của họ hẳn không rủng rỉnh hơn học sinh, sinh viên sở tại.

Đáng nói là, làn sóng phản đối ngày càng gia tăng trong giới học đường đang là một phép thử khắc nghiệt cho "cuộc hôn nhân" lịch sử giữa đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do kể từ tháng 5 vừa qua. Kế hoạch tăng học phí được thông qua đang đặt đảng Dân chủ Tự do vào tình huống đặc biệt khó xử. Dù hầu hết các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tự do đã bỏ phiếu chống với đề xuất tăng học phí, tuy nhiên đề xuất này vẫn được thông qua với tỷ lệ chênh lệch rất thấp 323/302. Điều này đi ngược với những cam kết mà Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg đưa ra trong chiến dịch tranh cử khiến uy tín đảng Dân chủ Tự do của ông xuống thấp đến mức đáng kinh ngạc.

Áp lực học đường sẽ còn đè nặng lên liên minh cầm quyền trong thời gian tới khi các nhóm sinh viên tiếp tục lên kế hoạch xuống đường trên khắp Vương quốc để phản đối chính sách cắt giảm chi tiêu trong lĩnh vực công của Chính phủ. Xứ sở Sương mù đang có một mùa đông rất nóng.

Quỳnh Chi