NSƯT Nguyễn Ngọc Bình - người nặng lòng với ca kịch Huế

Văn hóa - Ngày đăng : 11:13, 10/12/2010

(HNMO)- Vào nghề từ thưở thiếu thời, 14 tuổi ông đã theo chân cha mẹ nối nghiệp cầm ca, hát lên những ca khúc mang âm hưởng dân ca Huế. Một con người gắn bó cả cuộc đời với bộ môn nghệ thuật ca kịch Huế chưa khi nào biết mệt mỏi, không biết dừng và luôn đau đáu với nó. Đó là NSƯT Nguyễn Ngọc Bình.

NSƯT Ngọc Bình trong vai Bác Hồ


(HNMO)- Vào nghề từ thưở thiếu thời, 14 tuổi ông đã theo chân cha mẹ  nối  nghiệp cầm ca, hát lên những ca khúc mang âm hưởng dân ca Huế. Một con người gắn bó cả cuộc đời với bộ môn nghệ thuật ca kịch Huế chưa khi nào biết mệt mỏi, không biết dừng và luôn đau đáu với nó. Đó là NSƯT Nguyễn Ngọc Bình.

NSƯT Nguyễn Ngọc Bình sinh ngày 16/11/1958 tại Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống về nghề ca kịch Huế. Có lẽ vì thế mà tình yêu nghệ thuật đã thấm dần trong ông ngay từ thời thơ dại. Ban đầu ông lựa chọn loại hình nghệ thuật bằng niềm yêu thích với điện ảnh và ông đã có ý định theo đuổi nó. Tuy nhiên bố mẹ ông vì không muốn ông sống xa gia đình nên khuyên ông theo nghề ca kịch Huế. Cha mẹ cùng nghề sẽ có điều kiện thuận lợi giúp đỡ con cái hơn về nghề nghiệp và cuộc sống. Do đó vào năm 1972, tức năm 14 tuổi NSƯT Ngọc Bình đã tham gia nghệ thuật ca kịch Huế và biểu diễn phục vụ quân dân. Năm 1975, đất nước thống nhất ông trở về Huế công tác tại Đoàn ca kịch Bình Trị Thiên. Những năm sau đó ông hoạt động năng nổ ở nhiều đội đoàn văn nghệ, đem lời ca tiếng hát cũng như niềm say mê nhiệt huyết của tuổi trẻ đến với khán giả. Năm 1984, ông được Sở Văn hóa điều về tăng cường cho đoàn ca kịch Bình Trị Thiên. Sự lao động nghệ thuật hết mình của ông được đồng nghiệp thán phục và nể trọng. Ở tuổi 32 ông đã được tin tưởng đề bạt làm phó đoàn chỉ đạo nghệ thuật tại nhà hát. Trên cương vị mới của mình, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bình đã đưa ra nhiều ý kiến cũng như đích thân thể hiện những cải tổ, cách tân đối với ca kịch Huế mà không làm mất đi tính truyền thống.

NSƯT Ngọc Bình (thứ 3 bên trái) và các nghệ sỹ trong đoàn ca kịch Huế.


Năm 1992, ông được cử đi học đạo diễn kịch hát dân tộc tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Sau ba năm rèn rũa kỹ năng về nghề nghiệp tại đất Đô thành nơi ông sinh ra, ông càng hiểu và yêu môn nghệ thuật ca kịch Huế hơn. Trở về Huế sau khi tốt nghiệp, ông mang theo những kiến thức mình lĩnh hội được từ giảng đường, cộng với những năm tháng tích lũy  khi làm nghề đã giúp nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bình dàn dựng những vở diễn đậm chất sáng tạo, công phu nhưng cũng giàu chất dân tộc, bản sắc vùng miền. Năm 1995 ông nhận chức Trưởng đoàn ca kịch Bình Trị Thiên kiêm vai trò chỉ đạo nghệ thuật, diễn viên. Ít ai biết rằng trước khi hoàn thành khóa học đạo diễn, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bình đã tham gia dàn dựng nhiều vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật chuyên môn cao. Sau khi tốt nghiệp ông càng có cơ hội thể hiện sự am hiểu cũng như tình yêu, sự nặng lòng của mình đối với bộ môn nghệ thuật ca kịch Huế.

Năm 2006, ông được mọi người tin tưởng đề bạt làm Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế cho đến nay. Tham gia nhiều chức vụ từ một người quản lí nhân lực bận rộn cho đến một đạo diễn chỉ đạo nghệ thuật cần mẫn nhưng NSƯT Ngọc Bình không thể nào quên được công việc của một người diễn viên. Với ông nghề diễn viên đã cho ông những phút giây thăng hoa trên sân khấu, được thể hiện những trăn trở, những kĩ năng, bản lĩnh sân khấu của một nghệ sĩ ca kịch Huế. Hiện tại kiêm nhiều chức vụ, NSƯT Ngọc Bình rất bận rộn nhưng ông vẫn tham gia diễn xuất những vai diễn đòi hỏi kĩ năng chuyên nghiệp, sự trải nghiệm về đời, về nghề… Ông cho biết: “Nhiều khi tôi thấy mình như con thoi, hết chạy từ ca kịch Huế lại chạy sang kịch nói. Tuy vất vả nhưng tôi thấy yêu nghề và muốn cống hiến sức mình cho nghệ thuật, cho niềm đam mê của mình”.


Đối với NSƯT Ngọc Bình, ca kịch Huế không chỉ là niềm đam mê, là duyên nợ, là tình yêu mà nó còn là lẽ sống của cuộc đời ông. Trên vai trò nào ông cũng để lại những ấn tượng sâu sắc. Là diễn viên, ông là tấm gương cho thế hệ trẻ học. Ông đã để lại nhiều vai diễn ấn tượng như vai diễn Tà Lừng trong Vòng oan nghiệt, Đức trong Lời trăng trối… Nhưng có lẽ vai diễn mang đến cho ông nhiều thành công nhất, đó là vai Hồ Chủ Tịch trong vở diễn Hồ Chí Minh – hồi ức màu đỏ. Với tác phẩm dàn dựng công phu này, NSƯT Ngọc Bình đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng sân khấu danh giá như Huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010 tại Đà Nẵng, giải Đặc biệt xuất sắc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng, Huy chương vàng tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc năm 2009…Trong vở diễn ca kịch Huế Hồ Chí Minh – hồi ức màu đỏ, NSƯT Ngọc Bình đảm nhận nhiều vai trò khác nhau và đều được giới trong nghề đánh giá cao. Ông tham gia vai chính Hồ Chí Minh, vừa tham gia làm đạo diễn kiêm kịch bản và kiêm luôn vai trò chỉ đạo nghệ thuật. Hồ Chí Minh – hồi ức màu đỏ mang lại những vinh quang lớn trong nghề mà ông theo đuổi.  Nó ghi nhận thành quả lao động nghệ thuật miệt mài của ông cho từng vai diễn, từng vở diễn. Hồ Chí Minh – hồi ức màu đỏ cũng đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác sáng tạo nghệ thuật trên cương vị đạo diễn, chỉ đạo diễn xuất của NSƯT Ngọc Bình.

Bên cạnh là một diễn viên ca kịch Huế giàu kinh nghiệm, NSƯT Ngọc Bình còn là một diễn viên kịch nói có hạng. Tham gia nhiều vở kịch nói và ông cũng thu được những thành tựu nhất định như vai anh hàng thịt trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, vai Đê - mê - nôp trong vở Người đời… Diễn viên kịch nói tuy đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc đời theo đuổi nghệ thuật của NSƯT Ngọc Bình nhưng với ông ca kịch Huế luôn luôn là niềm khắc khoải, sự đau đáu và trăn trở của ông. Nó như một người bạn chí cốt chí tình, như là da thịt của ông… không thể nào dứt ra được. Ông chia sẻ: “Trong suốt quá trình gần bốn mươi năm làm nghề, tôi cùng đồng nghiệp biểu diễn hầu khắp trên địa bàn miền Bắc trong những năm tháng chiến tranh, phục vụ trên từng mâm pháo, ụ súng cho các đơn vị tự vệ, dân quân, vào biểu diễn phục vụ cho quân đội ở chiến trường Trị Thiên trong những năm khói lửa”. Khi đất nước thống nhất hai miền, NSƯT Ngọc Bình tích cực tham gia hoạt động ở nhiều vai trò khác nhau và đều gắn bó với ca kịch Huế. Trong bốn mươi năm theo nghề ông đã tham gia trên 60 vai diễn từ ca kịch Huế, kịch nói và cả phim truyện. Ông cũng tự tay làm đạo diễn đã dàn dựng trên 70 vở diễn và chương trình từ ca kịch Huế, kịch nói cho đến tuồng, cải lương…Ông còn tham gia trên 50 chương trình ca múa nhạc khác nhau… Ở vai trò nào ông cũng được công chúng, giới nghệ thuật và lãnh đạo đánh giá tốt.

Ngoài những tác phẩm thành công trong vai trò đạo diễn hoặc diễn viên như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Người đời, Hồ Chí Minh - hồi ức màu đỏ, NSƯT Ngọc Bình còn nhiều vở diễn khác được đánh giá cao như Điều không thể mất, Lưỡi gươm trừng phạt, Vú cát, Hoa lan tím…



Trong dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội, NSƯT Nguyễn Ngọc Bình cùng đoàn biểu diễn của mình ra Hà Nội mang theo những vở diễn nói về đề tài Hà Nội phục vụ công chúng, đồng thời cũng là tấm lòng của những nghệ sĩ ca kịch Huế mừng thủ đô nghìn năm tuổi. Những nơi đoàn đi qua biểu diễn luôn được khán giả đón nhận nhiệt tình. Điều này mang lại niềm vui và sự hạnh phúc không chỉ cho riêng bản thân NSƯT Ngọc Bình mà cho cả những nghệ sĩ theo nghiệp ca kịch Huế. Khi được hỏi về tình trạng các loại hình sân khấu truyền thống thu hút khán giả kém, NSƯT Ngọc Bình không tỏ ra lo lắng. Ông vẫn tin vào tương lai của loại hình nghệ thuật này. Ông bày tỏ: “Tôi có nghe nhiều ý kiến cho rằng khán giả trẻ hôm nay quay lưng lại với sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, trong những năm theo nghề tôi nắm bắt được một điều rằng, khán giả trẻ không quay lưng lại với sân khấu truyền thống mà do bản thân người làm nghề chưa nắm bắt được tâm lí, tín hiệu, thị hiếu thưởng thức của khán giả trẻ ngày hôm nay. Môn nghệ thuật nào cũng vậy thôi, dù phát triển đến đâu nhưng vẫn phải giữ được bản sắc truyền thống để khán giả vẫn hiểu và nhập cuộc được. Khán giả trẻ ngày hôm nay không phải ai cũng quay lưng lại với sân khấu truyền thống. Nếu chúng ta đánh trúng tâm lí, thị hiếu của họ thì người ta vẫn tin và yêu nó”.

NSƯT Ngọc Bình luôn tự hào về dòng máu nghệ thuật được lưu truyền trong gia đình mình. Khi lập gia đình riêng ông đã tìm cho mình một người bạn đời cũng là đồng nghiệp của ông, NSƯT Tiểu Hoa. Hai vợ chồng không đơn thuần chỉ dựng xây một gia đình mà họ còn là những người bạn tâm giao, những đồng nghiệp tốt luôn giúp đỡ lẫn nhau. Nói về người vợ, ông luôn toát lên ánh mắt hạnh phúc và nụ cười mãn nguyện. Ông cho rằng, trên bước đường sự nghiệp của mình để có được thành công như ngày hôm nay có công lao rất lớn của người vợ hiền. “Ca kịch Huế hôm nay được ghi nhận và tồn tại như một bộ môn nghệ thuật sân khấu. Tôi mong sao đời sống của anh em nghệ sĩ ca kịch Huế được nâng lên để họ yên tâm hơn trong việc bảo tồn môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc này”. Đó là lời chia sẻ tận đáy lòng của NSƯT Ngọc Bình đối với tình yêu nghề và một lòng gắn bó với ca kịch Huế.

Tuyết Minh