Tạo môi trường, phát huy nội lực
Đời sống - Ngày đăng : 08:31, 10/12/2010
- Ông có thể đánh giá tiến độ xây dựng NTM HN hiện nay so với cả nước?
- Theo quan sát của chúng tôi, HN đã có chuyển động tích cực trong triển khai chương trình xây dựng NTM. Công tác chuẩn bị và kết quả thực hiện chỉ sau Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và một vài tỉnh khác. Nhưng tôi nghĩ HN là Thủ đô, có tiềm lực kinh tế mạnh và đội ngũ cán bộ có trình độ cao hơn các địa phương khác, chắc sẽ có tốc độ bứt phá hơn trong thời gian tới.
Hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp Thủ đô. Ảnh: Thái Hiền
- Nhiều địa phương cho rằng bộ tiêu chí quốc gia lớn như vậy nhưng văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT để các địa phương thực hiện còn quá mỏng khiến việc triển khai khó khăn. Hướng tháo gỡ của Bộ đối với vấn đề trên?
- Không ít cán bộ cấp xã điện thoại hỏi tôi: Sao TƯ không quy định rõ Ban quản lý xã thành phần ra sao, Ban phát triển thôn, bản gồm thành phần nào và bao nhiêu người để địa phương dễ thực hiện. Trung ương đã hướng dẫn “xã lập Ban quản lý xây dựng NTM do chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Thành phần khác tương tự cấp huyện. Mỗi thôn, bản cần lập Ban phát triển thôn, bản gồm những người có kinh nghiệm, hiểu biết các công việc xây dựng NTM và có uy tín, được cộng đồng bầu ra, số lượng khoảng 6-7 người…”. Vậy xã, thôn, bản phải tự tìm người phù hợp chứ TƯ biết ai là phù hợp? Quy định cứng từ trên xuống thì còn gì là quyền của dân?
Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được thực hiện bởi nhiều chương trình, đề án, dự án khác do các bộ, ban chỉ đạo các tỉnh, huyện đề ra nhưng nguyên tắc là không được trùng chéo và đều phải hướng vào thực hiện 19 tiêu chí. Về phía Bộ NN&PTNT đã phát hành Bộ tài liệu tập hợp các văn bản là chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; các thông tư của các bộ liên quan đến xây dựng NTM để các địa phương tiện sử dụng trong học tập, tuyên truyền, làm căn cứ tra cứu khi thực hiện. Gần đây, Bộ đã ban hành “Sổ tay hướng dẫn xây dựng NTM” sử dụng cho cán bộ cấp huyện, xã, thôn, bản. Đây là cuốn sách rất hữu ích vì được biên tập gọn, ngôn ngữ dễ hiểu, nhằm vào những việc thiết thực cần triển khai ở cấp xã. Nếu các Ban quản lý xã nghiên cứu kỹ là đã tạm đủ “vũ khí” để tổ chức thực hiện. Điều cốt lõi là phải tạo ra môi trường để cán bộ và người dân ở mỗi cộng đồng phát huy cao độ nội lực.
- Các địa phương đang đồng loạt “ra quân” xây dựng NTM, song có ý kiến cho rằng xây dựng NTM tại các địa phương đang chú ý đến xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa thực sự quan tâm đến đời sống của nông dân? Liệu các địa phương có chạy theo bệnh thành tích khi xây dựng NTM ?
- Việc tập trung xây dựng hạ tầng chưa hẳn là bệnh thành tích (bệnh thành tích là làm ít khai nhiều, chỉ chú ý làm cái bề ngoài để khoa trương chứ không chú ý đến cái cốt lõi bên trong…). Thường thì nói đến xây dựng NTM, người ta nghĩ ngay đến hạ tầng nông thôn và dễ dàng đồng thuận nhất trong cộng đồng là bàn việc xây dựng trước hạ tầng công cộng. Có lý do là vì hạ tầng nông thôn ta nhìn chung còn thiếu và chất lượng thấp do trước đây thiếu quy hoạch, xây dựng không theo chuẩn và cũng không có kinh phí. Nay xây dựng hạ tầng thì dễ thấy sự thay đổi bộ mặt nông thôn, và tôi nghĩ hạ tầng cũng phải là khâu đột phá để tạo nền móng cho phát triển kinh tế - văn hóa, người dân được hưởng thụ ngay. Nhưng xây dựng NTM có mục đích cao nhất là nâng cao thu nhập và đời sống người dân - nên phải tính đến sản xuất. Phải tạo nên người nông dân văn minh - do đó phải tính đến giáo dục nâng cao dân trí và phát triển văn hóa. Không thể có NTM nếu chỉ có hạ tầng hiện đại mà người dân đói, hành xử thiếu văn hóa. Kinh nghiệm cho thấy nên dành 60-65% nguồn lực cho hạ tầng. Còn lại phải dành cho các nội dung khác.
- Nhiều ý kiến cho rằng không ít các địa phương chọn xã có điểm xuất phát cao, kinh tế phát triển để làm điểm, còn những vùng khó khăn lại không được chọn? Vậy đâu là công bằng? Và kinh nghiệm liệu có phổ biến được không?
- Thí điểm là để rút kinh nghiệm nội dung, phương pháp cách làm, xác định cơ chế chính sách thế nào là phù hợp, trách nhiệm và mối quan hệ chỉ đạo giữa các cấp, các ngành thế nào là hợp lý. Đồng thời cũng phải tạo ra những mô hình thực tiễn để người dân nhìn vào có niềm tin. Vậy nếu chọn xã khó khăn (đã khó thì khó mọi thứ) thì bao giờ mới có được mô hình? Chúng ta không có nguồn lực dồi dào và kinh nghiệm, vì vậy phải làm theo phương pháp “vết dầu loang”.
- Theo ông, xây dựng NTM HN nên tập trung vào vấn đề gì để đẩy nhanh tiến độ?
- Tôi nghĩ cái khó nhất trong xây dựng NTM không phải là tiền mà là nhận thức. Vì vậy, trước hết phải tuyên truyền sâu rộng đến người dân bằng nhiều hình thức. Phải tạo ra một cuộc vận động chính trị xã hội đến tận thôn, xóm, các chi bộ, các chi hội đoàn thể, cộng đồng phải được thông tin đầy đủ và họp bàn về nội dung các việc phải làm, phương pháp làm, chính sách xây dựng. Biết việc gì Nhà nước giúp, việc gì cộng đồng phải tự lo; việc gì xã làm, việc gì của thôn, việc gì mỗi hộ phải tự làm… Từ đó mới biết tham gia gì vào quy hoạch, vào kế hoạch và quy định chọn cái gì là phù hợp. Tiếp đó phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chỉ đạo các quận, huyện, xã, thôn và cách tổ chức, cách làm phù hợp hoàn cảnh cụ thể. Tôi nghĩ mọi chuyện đều phụ thuộc vào con người mà trước hết là đội ngũ cán bộ có trách nhiệm thực hiện.
- Xin cảm ơn ông!