Trật tự thị trường đã được tái lập

Kinh tế - Ngày đăng : 08:01, 10/12/2010

(HNM) - Sau một ngày bị


Mức lãi suất gây sốc


Để hút vốn, các ngân hàng không còn lựa chọn nào khác là tăng lãi suất huy động. Ảnh:  Linh Tâm

Trái với dự đoán của nhiều chuyên gia, "cuộc đua" lãi suất của các ngân hàng thương mại không dừng lại ở "đỉnh" 15,5%/năm mà tiếp tục "nóng", với lãi suất huy động lên tới 18%/năm. Ngày 8-12, lãi suất huy động VND được một số ngân hàng (NH) thương mại đồng loạt đẩy lên mức "ngất ngưởng". Tại NH TMCP Kỹ thương (Techcombank), mức lãi suất cao nhất được thông báo áp dụng trong "3 ngày vàng" là 17%/năm, chưa kể mức cộng thưởng có thể lên tới 0,6%/năm, tức là lãi suất cao nhất mà khách hàng nhận được là 17,6%/năm. Sự "mở màn" của Techcombank đã khiến hệ thống NH gần như rơi vào tình trạng "hoảng loạn", bởi họ lo sợ tình trạng người dân đổ xô đi rút tiền ở các NH khác để gửi tại Techcombank. Thực tế, sự lo lắng của các NH trong hệ thống cũng có cơ sở, vì mức lãi suất huy động phổ biến dao động trong khoảng 14-15%/năm, nên nếu có "anh" nào huy động tới hơn 17% thì sự xáo trộn chắc chắn sẽ xảy ra.

Ngay sau Techcombank, nhiều NH khác đã thay đổi lãi suất huy động, nhưng không thông tin rộng rãi mà chỉ quảng cáo rầm rộ trên các biển quảng cáo trước cửa NH. NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) thông báo lãi suất huy động lên 18%/năm, nhưng chỉ áp dụng từ khoảng trưa ngày 8-12 đến 16h cùng ngày. NH TMCP Quốc tế (VIB) cũng áp dụng lãi suất 17,3%/năm.

Sự "bất thường" này của một số NH đã giúp nhiều khách hàng hưởng lợi và rõ ràng, tình trạng rút tiền từ nơi này để chuyển sang nơi khác đã diễn ra ngay trong ngày 8-12. Có NH thậm chí còn cho nhân viên gọi điện đến những khách hàng "ruột" để "mời chào" lãi suất cao, kêu gọi gửi tiền tại NH mình, song do thời hạn huy động ngắn nên hệ thống NH mới chỉ "lung lay" nhẹ, chứ chưa thực sự bị biến động.

Chạy đua vì… thiếu vốn?

Vẫn biết đây chỉ là những NH cá biệt áp dụng lãi suất cao một cách "bất thường", song mức tăng đột biến lãi suất huy động này khiến nhiều DN và người dân lo lắng. Bởi, lãi suất huy động lên tới 18%/năm cũng đồng nghĩa với việc DN sẽ phải chịu lãi suất cho vay vượt ít nhất là 3,5%/năm (tức là khoảng 21,5%/năm), còn người dân vay tiêu dùng sẽ phải chấp nhận lãi suất 22-23%/năm, thậm chí là 24-25%/năm. Với DN, nếu muốn vay vốn sẽ phải tính cách thu lợi nhuận làm sao để vừa có thể chi trả lãi suất, lại vừa trả chi phí nhà xưởng, lương nhân công… mà riêng lãi suất đã vượt cả 20%/năm thì khó có DN nào "với" được.

Lãnh đạo một NH cổ phần ở Hà Nội thừa nhận, đây là thời điểm NH "thiếu" vốn. Mặc dù được coi là kênh đầu tư khá an toàn, song người dân không mấy "mặn mà" với việc gửi tiết kiệm bởi họ lo ngại tình hình lạm phát "leo thang", tiền VND mất giá. Hơn nữa, những "cơn sốt" USD hay vàng trong thời gian gần đây cũng "hút" một lượng lớn vốn của người dân. Chưa kể một khoản lớn vốn khác đã được "đổ" vào kênh bất động sản. Vì vậy, để có thể "hút" vốn, NH không còn cách nào khác là tăng lãi suất huy động.

Đại diện một NH khác cho biết, nhiều ngày gần đây, NH rất khó huy động vốn. Nếu như những năm trước, vào thời điểm cuối năm, lượng vốn "chảy" vào NH khá dồi dào, thì năm nay tình hình khó khăn hơn rất nhiều. Ngay cả mức lãi suất trên 13%/năm cũng không đủ để thu hút khách hàng nên NH đã phải điều chỉnh tăng dần, lên 14%/năm, rồi 15%/năm, cùng nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà đi kèm.

Trước tình hình này, chiều 8-12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hà Nội đã phải tổ chức họp với các trụ sở chính trên địa bàn. Phân tích nguyên nhân cho thấy tình hình lãi suất huy động tăng đột biến là do Techcombank thực hiện lãi suất huy động vốn 17%/năm thông qua sản phẩm tiết kiệm "3 ngày vàng". Vì vậy, ngày 9-12, NHNN đã có công văn yêu cầu Techcombank rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn VND. NHNN yêu cầu Techcombank không thực hiện sản phẩm tiết kiệm "3 ngày vàng", mà phải áp dụng lãi suất huy động vốn phù hợp với quy định của pháp luật, chủ trương của Chính phủ và nội dung đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội NH, không vì lợi ích riêng mà gây xáo trộn thị trường tiền tệ, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Ngay sau khi có ý kiến từ phía cơ quan quản lý, thị trường tiền tệ đã ổn định. Ngày 9-12, toàn bộ những biển hiệu quảng cáo lãi suất 17-18%/năm đã được gỡ bỏ, lãi suất huy động của các NH đã được niêm yết ở mức thấp hơn, dao động quanh 14%/năm. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần được phát huy để thị trường tiền tệ hoạt động ổn định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc lãi suất huy động cần phải điều chỉnh để "đối phó" với lạm phát, song không có nghĩa là NH "ồ ạt" tăng nóng. Sự cá biệt của một số NH trong mấy ngày gần đây đã gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tiền tệ cũng như tâm lý của người dân, tạo áp lực cho DN.

Đức Anh