Phải xóa bằng được nhà siêu mỏng

Chính trị - Ngày đăng : 07:24, 10/12/2010

Thông qua Nghị quyết về ngân sách và tổng biên chế Hôm qua 9-12, phiên chất vấn đã diễn ra trọn buổi sáng của ngày làm việc thứ 3 HĐND TP. Trả lời các đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình khẳng định: TP đã có kế hoạch xóa triệt để nhà siêu mỏng, siêu méo (SMSM) và chắc chắn sẽ làm được. Phiên chất vấn tuy chỉ tập trung vào 2 nội dung về quy hoạch và xã hội hóa, nhưng vẫn

Ảnh minh hoạ. Ảnh Internet


Triệt để xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo

Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) Nguyễn Văn Hải được UBND TP giao báo cáo giải trình lý do tại sao nhiều dự án mở đường mới không thực hiện song song việc giải phóng mặt bằng (GPMB) hai bên đường để tạo mỹ quan đô thị. Đây là cách làm mà TP đã có chủ trương thể hiện ở Nghị quyết 09 của HĐND TP ban hành từ năm 2000, nhưng đến nay không thực hiện được. Hệ quả là dù tuyến đường mới mở rất đẹp, nhưng kiến trúc đô thị hai bên đường vẫn gây bức xúc trong dư luận vì tình trạng nhà SMSM xuất hiện khắp các tuyến đường.

UBND TP đưa ra 6 nguyên nhân lý giải cho tình trạng trên, như không đủ ngân sách, kêu gọi nhà đầu tư không vào… Tuy nhiên, nhiều ĐB chưa đồng tình với cách lý giải này. ĐB Ngô Văn Ny lấy Đà Nẵng làm dẫn chứng và đặt câu hỏi: "Tại sao Đà Nẵng làm được, Hà Nội lại không?". Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hoài Năm hỏi: "UBND TP nên làm rõ có thực hiện tiếp Nghị quyết 09 hay không, quyết tâm thế nào?". ĐB Đào Xuân Mùi cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của UBND TP về thực hiện nghị quyết này. Đáp lại câu hỏi của các ĐB, Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Văn Hải cho biết, ông từng tham gia thiết kế đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, tham gia khảo sát xã hội học, thiết kế từng khối nhà ven đường, nhưng vì không có sự đồng thuận của dân, bất động sản lại không sôi động như hiện nay, nên cách làm như Nghị quyết 09 không thực hiện được; trong nhiều năm qua, TP đã dành nhiều công sức giải quyết nhà SMSM nhưng vẫn chưa có hiệu quả.

Không đồng tình với phần giải trình của Giám đốc Sở QHKT, một số ĐB tiếp tục chất vấn. ĐB Trần Trọng Hanh khẳng định, cơ sở pháp lý để thực hiện Nghị quyết 09 có từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhưng TP đã không làm được. ĐB Nguyễn Việt Hưng cũng bày tỏ không thỏa mãn với câu trả lời và cho rằng, TP cần làm rõ trách nhiệm và lý do tại sao không thực hiện được Nghị quyết 09. ĐB Nguyễn Thị Loan chất vấn cụ thể: "UBND TP có giải quyết triệt để được nhà SMSM không? Nếu làm thì bao giờ hoàn thành?".

Trước ý kiến của một số ĐB sau phần trả lời của Giám đốc Sở QHKT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình đã giải trình bổ sung: "Quá khứ để lại tôi không nhắc lại, chúng ta phải nhìn vào, suy nghĩ để khắc phục trong tương lai. Lãnh đạo UBND TP rất có trách nhiệm xây dựng TP. Nếu những chất vấn về thực hiện Nghị quyết 09 gay gắt như hôm nay sớm hơn thì có lẽ nghị quyết đã được thực hiện hiệu quả hơn". Phó Chủ tịch Phí Thái Bình khẳng định, đã thống kê đầy đủ và tới đây sẽ phải quyết tâm làm. Đối với các trường hợp vi phạm Luật Xây dựng 2005 thì phải xử lý theo pháp luật. Còn các trường hợp khác thì TP phải bỏ ngân sách hoặc tiến hành xã hội hóa để thực hiện. Ông quả quyết: "Sở Xây dựng đã trình kế hoạch với lộ trình cụ thể để xóa nhà SMSM. Bây giờ hỏi chúng tôi có làm không? Có. Chúng tôi có làm được không? Tôi khẳng định là làm được. UBND TP sẽ triệt để xóa bỏ nhà SMSM, vì không thể để mỹ quan đô thị như vậy".

Xã hội hóa còn yếu vì thủ tục hành chính rườm rà

Tiếp theo, Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Văn Sửu đã giải trình về lý do tại sao hàng chục dự án xã hội hóa bệnh viện, trường học trên địa bàn TP vẫn chậm trễ trong khi nhu cầu về hai lĩnh vực này đang ngày càng tăng cao.

Theo Giám đốc Nguyễn Văn Sửu, các dự án xã hội hóa bệnh viện, trường học là các dự án đầu tư kinh doanh. Mà đã là dự án đầu tư kinh doanh thì phải tính toán hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, các giáo sư, tiến sĩ có thể giỏi chuyên môn y tế, giáo dục, nhưng lại hạn chế khi tính bài toán kinh tế. Sự thận trọng của các nhà đầu tư cùng với lĩnh vực đầu tư kém hấp dẫn là những nguyên nhân quan trọng gây ra sự chậm trễ này. Ông cũng thừa nhận, tâm lý lập dự án để giữ đất cũng là một nguyên nhân trong thực tế.

Tuy nhiên, giải trình nguyên nhân này chỉ được các ĐB chấp nhận một phần. ĐB Lê Anh Tuấn (Giám đốc Sở Y tế) nêu: "Nói rằng đầu tư xây dựng bệnh viện không hấp dẫn là không đúng. Vì các nhà đầu tư đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư xây dựng 23 bệnh viện. 15 tổ chức khác cũng đã đăng ký để làm". Ông cho rằng, TP phải thu hồi đất những dự án chậm quá lâu, không thể để những dự án giao từ năm 2006 đến nay không làm mà không bị thu, trong khi nhiều bệnh viện công muốn làm mà chưa có đất.

Một số ĐB khác thẳng thắn cho rằng, khâu thủ tục đầu tư rườm rà và thiếu quỹ đất sạch là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm trễ này. Đáp lại, Giám đốc Sở KHĐT khẳng định, Sở vẫn làm "một cửa" đi thỏa thuận với các cơ quan TP về thủ tục, còn thiếu quỹ đất sạch vì chúng ta chưa có quỹ tài chính để làm việc này. Năm 2011, TP xây dựng quỹ đất sạch, tình hình sẽ được cải thiện. Giám đốc Nguyễn Văn Sửu cũng giải đáp về việc, sau khi di dời các nhà máy khỏi nội đô có dành quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng hay ưu tiên cho xây dựng văn phòng cho thuê? Theo ông, sau khi di dời Nhà máy Rượu ở Lò Đúc đã dành đất để xây dựng trường học. Tới đây, TP di dời dự án Nhà máy Dệt 8-3 và Haprosimex cũng sẽ dành đất để xây dựng một bệnh viện 300 giường bệnh.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá cao ý kiến tái chất vấn của các ĐB, đồng thời yêu cầu UBND TP tiếp thu các ý kiến ĐB, tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới. Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cũng yêu cầu UBND TP trả lời các chất vấn còn lại bằng văn bản để công khai cho cử tri được biết.

Thông qua nghị quyết về ngân sách và tổng biên chế

Buổi chiều cùng ngày, HĐND TP đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính sự nghiệp TP năm 2011, Nghị quyết về thành lập 4 phòng dân tộc tại 4 huyện Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì; Nghị quyết về định mức chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng của UB MTTQ TP và Nghị quyết dự toán ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp TP năm 2011.

Tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2011 của TP là 157.717 người. Trong đó biên chế công chức là 9.121 người; biên chế sự nghiệp: 111.746 người; cán bộ chuyên trách và công chức cơ sở: 13.373 người; số lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính: 1.434 người; lao động trong các trường mầm non công lập và công lập tự chủ: 22.043 người. HĐND TP giao UBND TP phân bổ biên chế cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo đúng quy định của pháp luật. HĐND TP cũng yêu cầu phải có lộ trình giảm dần biên chế hành chính của các sở, ban, ngành. Đồng thời, tiến hành rà soát, đánh giá lại các đơn vị sự nghiệp để có kế hoạch chuyển dần sang các đơn vị sự nghiệp tự trang trải để giảm chi ngân sách nhà nước.

HĐND TP thống nhất thông qua Nghị quyết về ngân sách với mục tiêu tăng thu ngân sách năm 2011 thêm 5% so với chỉ tiêu Chính phủ giao, lên thành 115.000 tỷ đồng. Trong đó thu từ đấu giá đất là trên 1.900 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách năm 2011 là 43.771 tỷ đồng với một số khoản chi như chi đầu tư xây dựng cơ bản trên 6.000 tỷ đồng, chi bảo vệ môi trường 1.413 tỷ đồng, chi cải cách tiền lương 650 tỷ đồng… HĐND TP cũng thống nhất quan điểm tăng chi ngân sách cho địa phương để phát triển hạ tầng khung và thực hiện tốt nhiệm vụ phân cấp quản lý kinh tế - xã hội.

Hôm nay 10-12, HĐND TP sẽ bế mạc Kỳ họp thứ 22.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Lê Quang Nhuệ: "Chúng ta muốn đạt được mục tiêu phải có giải pháp, trong đó có giải pháp về vốn. Hiện nay, ngành nào, địa phương nào cũng thấy rằng mình cần đầu tư, nhưng số tiền thì có hạn, nên chúng ta cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm đầu tư. Khi xác định công trình, dự án cấp bách để chi ngân sách, sở, ngành xuống khảo sát cũng không nên tự quyết, mà nên nghe xem quận, huyện có coi là cấp bách hay không. Cái gì chúng ta khẳng định là nhiệm vụ của quận, huyện phải làm thì nên phân hẳn ngân sách cho quận, huyện điều hành, thực hiện".

ĐB Lê Văn Hoạt: "Xem phương án phân bổ dự toán ngân sách năm nay, tôi thấy nhiều ô, nhiều túi quá. Tôi đã xem lại phương án bố trí ngân sách từ 3 năm nay, thấy rằng năm 2011 bị dàn trải. Thậm chí có nhiều công trình ghi là hoàn thành trong năm 2011, nhưng bố trí vốn lại không phù hợp như công trình tốn 7 tỷ đồng, lại chỉ bố trí 2 tỷ thì hoàn thành thế nào được".

ĐB Nguyễn Ngọc Thạch: "Không gì chủ động và tích cực hơn chính là để cấp ủy, HĐND cấp huyện quyết định đầu tư, thấy cái gì cấp bách thì triển khai. TP nên mạnh dạn giao cho quận, huyện làm và thực hiện cơ chế hậu kiểm. Quận, huyện sai thì phải chịu trách nhiệm".

ĐB Nguyễn Đức Biền: "TP cần lưu ý giải pháp hết sức cần thiết là công khai quy hoạch. Công khai thì không có chuyện dân không chấp hành, giá cả không đắt đỏ. Nếu công khai sẽ khắc phục được những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 09".

Quốc Bình