Stress vì cậu ấm, cô chiêu lười việc nhà

Xã hội - Ngày đăng : 14:44, 09/12/2010

Mở cửa vào phòng con, chị Hồng nhăn mặt khi thấy mùi hôi sộc lên. Trên nền căn phòng màu hồng bừa bãi quần áo bẩn lẫn sạch, cặp sách, cốc uống sữa, bát ăn mì tôm nằm ngổn ngang trên bàn.


"Giời ơi là giời, con gái lớn tướng rồi mà để cái phòng thế này à. Nhìn bên ngoài ai cũng khen sáng sủa, người ta mà biết ở bẩn thế này thì họ cười cho thối mũi", chị Hồng (Phúc Thọ, Hà Nội) mắng xối xả cô con gái 16 tuổi.


Nhiều teen không biết tự dọn phòng mình. Ảnh minh họa: Corbisimages.com.


Chị than thở, con gái chị hay được khen vì học hành rất khá, thế nhưng lại mắc tật rất lười việc nhà và vô cùng bừa bộn. Viện cớ phải học nhiều, cô bé không đụng tay chân vào bất cứ việc gì, ngay cả phòng mình cũng chẳng dọn dẹp bao giờ. "Nhiều lần pha sữa cho con uống, vài hôm sau vẫn thấy cốc bẩn lăn lóc, kiến bâu đen kịt. Nói nhiều quá thì thấy nàng cũng mang cốc đi rửa nhưng khi mẹ sờ tới, rót nước uống thì suýt nôn bởi cốc còn mùi sữa", chị Hồng kể.

Thế nhưng theo chị, trong nhóm bạn chơi cùng con thì cô bé lại còn có vẻ "chăm chỉ" hơn.

"Ai đời, 4 đứa con gái lớp 11 tới nhà ăn cơm mà chỉ biết chui vào phòng rí rách nói chuyện, không đứa nào hỏi một câu xem bác có cần giúp gì không. Đến bữa, chúng đợi mình dọn rồi kéo ra ăn, xong xuôi lại chạy qua phòng khách xem TV, không có ý thức giúp mình xếp bát vào chứ chưa nói đến dọn, rửa gì. Bọn trẻ bây giờ chán quá", chị than.

Có hai con, đều học cấp 3 rồi nhưng chị Lan (Giáp Bát, Hà Nội) cứ về đến nhà là túi bụi như bận con mọn.

Chị Lan cho biết, lúc các con còn nhỏ, chị phải thuê người giúp việc vì không thể kham nổi. Khi các con lớn dần, vì đứa nào cũng bận học tối ngày, chị thương con, không để chúng mó tay vào việc gì mà nhờ osin và tự mình lo hết. Cậu con trai 18 tuổi và cô con gái 15 tuổi của chị vì thế chỉ biết ăn, ngủ, học mà thôi.

Cách đây nửa năm, khi người giúp việc xin nghỉ, nghĩ nhà mình giờ toàn người lớn, cũng không có nhiều việc, chị Lan không thuê osin nữa. Thế nhưng, từ đó, ngôi nhà lúc nào cũng như bãi chiến trường và chị nhận ra các con mình không những lười mà còn rất ích kỷ.

"Chúng đi học về là quẳng cặp sách lên sofa, chạy tới lục tủ lạnh rồi ăn uống xong là để rác ngay trên bàn bếp, nóc tủ lạnh, hay bất cứ chỗ nào tiện tay. Quần áo bẩn thì có khắp nơi. Mẹ đi làm đã mệt, lại quay mòng móng nấu nướng... Mình có nhờ con giúp việc gì thì đứa làu bàu, đứa xị mặt xuống rồi tìm cớ lảng đi. Nhiều lúc tủi thân rơi nước mắt khi mẹ hì hụi làm việc, con ung dung ngồi chơi game, đến bữa có khi nó còn bĩu môi chê bai nếu không vừa miệng", chị Lan kể.

Chị tâm sự, mấy tháng nữa con trai có thể sẽ vào Đại học, cô con gái cũng chuẩn bị đi du học, nhưng với tình trạng này, chị lo lắng không biết khi rời vòng tay mẹ các con sẽ sống thế nào như chưa biết tự thổi nồi cơm hay giặt cái áo.

Bà Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống Smile's House (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, hiện nay, rất nhiều phụ huynh than phiền con lười biếng, ích kỷ. Thực tế, chuyện các em tuổi teen, cả nam và nữ, không biết nấu ăn, dọn dẹp hay những việc đơn giản, ỷ lại hoàn toàn vào bố mẹ hoặc người giúp việc là khá phổ biến, nhất là ở thành thị.

"Trong một buổi dã ngoại rèn kỹ năng sống, tôi rất bất ngờ khi có những em nữ 16 tuổi, học rất giỏi nhưng lại không thể phân biệt đâu là củ hành, đâu là củ tỏi, không biết hành dùng cho món trứng đúc thịt, còn tỏi sử dụng khi xào thịt bò, đơn giản vì em chưa bao giờ vào bếp giúp mẹ hay tự nấu nướng. Có những em nam không biết phải giăng màn ra sao, hay tự gấp gọn gàng quần áo của mình cho vào balo thế nào", bà Thủy chia sẻ.

Theo bà, thật ra, đây chính là lỗi của các phụ huynh. Trẻ lười thường do từ nhỏ đã quen được làm thay mọi việc, các em không được người lớn giao việc và hướng dẫn cách làm. Một số bà mẹ bận rộn khoán trắng việc nhà cho osin, và vô hình chung, con cái họ cũng trông chờ hết thảy vào người giúp việc.

"Nhiều bà mẹ còn cho rằng, ngày nay việc nhà không quan trọng, chỉ cần trẻ học giỏi, sau này làm việc kiếm nhiều tiền sẽ thuê người giúp việc, đó là sự phân công lao động hợp lý. Đây là một quan niệm sai lầm", bà Thủy nói.

Nhà giáo dục phân tích, làm việc nhà không chỉ giúp trẻ biết các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, để có thể tự phục vụ bản thân, sống độc lập, và giúp đỡ người khác, mà qua đó rèn luyện cho các em sự khéo léo, tính tổ chức, chủ động cũng như sự tự tin vào bản thân. Tham gia làm việc tay chân giúp trẻ biết quý trọng sức lao động, biết chia sẻ với người khác và có trách nhiệm hơn với chính mình, người thân và cộng đồng. Những hoạt động nho nhỏ này còn khiến các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau hơn.

Khi quen được phục tùng, đáp ứng mọi nhu cầu mà không cần cố gắng, chẳng biết giúp ai, dần dần trẻ sẽ trở nên ích kỷ, không biết chia sẻ với người khác, thậm chí vô cảm.

Thực tế hiện nay, nhiều bố mẹ không tiếc tiền cho con đi học những lớp kỹ năng sống, mà họ quên là các kỹ năng đó đều có thể học được qua những việc vặt trong nhà và bố mẹ hoàn toàn có thể tự dạy cho con họ từ khi còn nhỏ.

Theo bà Lệ Thủy, ngay từ khi trẻ nhỏ, bố mẹ có thể hướng dẫn con làm những việc phù hợp với khả năng và lứa tuổi các em. Bé 2-3 tuổi có thể tự xúc ăn, thu dọn đồ chơi, rửa tay. Lớn hơn một chút, trẻ có thể phân loại, gập, cất quần áo của mình và bố mẹ, dọn giường ngủ cho sạch sẽ, tự mặc đồ và vệ sinh cá nhân. Trẻ tiểu học có thể giúp bố mẹ lau dọn bàn ăn, đổ rác hay quét nhà... Các cô cậu tuổi teen có thể nấu ăn, rửa bát, dọn phòng...

"Cần giao những việc cụ thể, để trẻ tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Đừng tiếc lời khen ngợi, động viên khi con hoàn thành tốt công việc, và không nên chê bai dù các việc đó không đạt yêu cầu", bà Thủy chia sẻ kinh nghiệm "kéo" con vào việc nhà.

Với những trẻ đã quen bừa bãi, ỷ lại, theo bà, bố mẹ cần kiên nhẫn giúp con sửa đổi. Hãy nhẹ nhàng và thẳng thắn chia sẻ với con rằng bạn cũng có lỗi trong việc này khi quá chiều chuộng và không dạy con cách làm mọi việc, đồng thời, nói cho con hiểu những "việc vặt" sẽ tốt cho cuộc sống tự lập của trẻ sau này thế nào. Sau đó, nên phân công cho trẻ những việc cụ thể, dễ làm, phù hợp với cá tính, sở thích của trẻ trước rồi dần dần thêm vào các việc khác. Tuyệt đối không chê bai con hay đi nói xấu trẻ lười, bẩn với người khác.

Vương Linh