"Nóng" chuyện nhà siêu mỏng, siêu méo
Chính trị - Ngày đăng : 11:57, 09/12/2010
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn |
Sáng nay (9/12), ngày làm việc thứ 3, các đại biểu HĐND kỳ họp thứ 22 bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đã có 13 câu hỏi gửi từ trước được UBND TP trả lời bằng văn bản gửi đến các đại biểu (ĐB).
Tại hội trường, 2 nhóm vấn đề mà nhiều ĐB, cử tri quan tâm, đồng thời tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP được lựa chọn để trả lời là việc thực hiện Nghị quyết 09 năm 2000 của HĐND TP khoá XII, về công tác GPMB gắn với quy hoạch các tuyến đường mới, phố mới và việc chậm thực hiện các dự án xã hội hoá bệnh viện, trường học trên địa bàn
Tại nội dung đầu tiên, ông Nguyễn Văn Hải, GĐ Sở QH-KT đã nhận được 14 chất vấn và tái chất vấn. Trong báo cáo tình hình thực hiện công tác lập quy hoạch trong 10 năm trở lại đây, theo đánh giá của Sở QH-KT, việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường đồng thời hoặc trước khi lập dự án xây dựng đường đã được thực hiện cho nhiều tuyến đường, kết quả đã và đang tạo ra nhiều tuyến phố hiện đại và đẹp cho Thủ đô như tuyến Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất làm cho chủ trương “mở đường đồng thời với xây dựng phố” chưa được thực hiện ở nhiều tuyến đường.
Ông Nguyễn Văn Hải, GĐ Sở QH - KT trả lời nội dung chất vấn đầu tiên |
Thực tế cho thấy tại những tuyến đường mở mới ở khu vực ven đô, nơi đất trống còn nhiều, dân cư thưa thì chủ trương này đã và đang được thực hiện (tuyến Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Nguyễn Phong Sắc kéo dài…), nhưng ở những tuyến đường ở sâu trong nội thành, dân cư dày đặc (Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở…), mặc dù đã có Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt, chủ trương này cũng chưa làm được.
Ông Nguyễn Văn Hải, GĐ Sở QH - KT đã chỉ ra một số nguyên nhân như trong nhiều giai đoạn, nguồn vốn ngân sách chỉ có thể đầu tư vào công trình lợi ích công cộng, mà không đủ đề đầu tư vào các dự án có tính chất kinh doanh và thực tế với khả năng của ngân sách hiện nay, khó có thể thực hiện được các dự án này. Ngay cả khi ngân sách đủ đầu tư xây dựng đường, việc kêu gọi các nhà đầu tư ngoài Nhà nước vào đầu tư xây dựng hai bên đường trong điều kiện trên cũng chưa đủ căn cứ pháp lý để thực hiện.
“Chúng ta chưa có các nhà đầu tư đủ lớn, đủ mạnh, đủ quyết tâm để có thể đảm đương thực hiện các dự án tổng hợp vừa mở đường, vừa xây dựng “tuyến phố” trong điều kiện khó khăn, dân cư dày đặc như hiện nay.
ĐB Bùi Thị An chất vấn:"Về đền bù GPMB, người dân có tâm lý nặng nề, phải chăng |
Việc thu hồi đất ở, đất đang sản xuất kinh doanh và các công trình thuộc sở hữu tư nhân để thực hiện các dự án có tính chất kinh doanh là hết sức phức tạp về xã hội. Khung giá bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất theo quy định hiện nay còn cách khá xa giá thị trường, càng làm cho các khó khăn, phức tạp trở nên gay gắt hơn. Sự chưa đồng thuận của người dân trong việc phối hợp thực hiện với các cấp chính quyền trong công tác GPMB theo quy hoạch là yếu tố quan trọng” - ông Hải nêu
Tuy nhiên, trong phần tái chất vấn sau đó, ĐB Trần Trọng Hanh đã cho rằng nhiều nguyên nhân đưa ra không chính đáng, đặc biệt là về thiếu các văn bản, quy định pháp lý, bởi theo ông: “Các văn bản UBND ban hành, nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống”
ĐB Phạm Thị Loan với 4 chất vấn sắc sảo sẽ được trả lời bằng văn bản |
Đặc biệt đề cập đến nhà siêu mỏng, siêu méo, ĐB Ngô Văn Ny đã dẫn giải câu trả lời của Phó GĐ Sở QH-KT với Đài VTV1 khi cho rằng "Hà Nội không thể xoá bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo". Trong phần trả lời, GĐ Sở QH-KT cho biết, từ năm 2008, UBND TP đã có rất nhiều cuộc họp giải quyết vấn đề này. "Với câu trả lời trên sẽ phải rút kinh nghiệm. Và phải khẳng định chắc chắn, Hà Nội sẽ giải quyết được nhà siêu mỏng, siêu méo".
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Phí Thái Bình đã khẳng định thêm quan điểm của TP: "Trong giải quyết các vấn đề quy hoạch Thủ đô, trong đó có nhà siêu mỏng, siêu méo, chúng ta không thể bỏ qua lịch sử mà có trách nhiệm với lịch sử để “đi tiếp”. Theo thống kê, trước năm 2005, khi chưa có Luật xây dựng, Thành phố có 87 trường hợp vi phạm. Khi giải quyết phải đền bù cho dân. Sau năm 2005, có 86 trường hợp vi phạm mà các quận huyện phải kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Phí Thái Bình "đăng đàn" |
Thành phố kiên quyết xử lý vấn đề này, và phải dựa vào nguồn lực và điều kiện để làm từng bước. Với những tồn tại cũ phải phân ra để làm, bỏ nguồn ngân sách ra giải quyết; còn những phát sinh mới phải kiên quyết ngay từ đầu".
Trả lời câu hỏi của các đại biểu "Thành phố có quyết tâm giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo không?", Phó chủ tịch khẳng định: "Dứt khoát phải làm. Làm rất khó, nhưng phải làm được".