Cánh cửa WTO rộng mở với Nga

Thế giới - Ngày đăng : 08:02, 09/12/2010

(HNM)- Quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Nga gần 2 thập kỷ qua đang dần


Sự kiện ký kết Bị vong lục giữa Bộ trưởng phát triển kinh tế Liên bang Nga, bà Envira Nabiulina và Cao ủy EU phụ trách thương mại Karel De Gucht ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU tại Brussels (Bỉ) vào đêm 7-12, được xem như "cột mốc" cuối cùng mà xứ sở Bạch Dương đã vượt qua trước khi bước chân vào ngưỡng cửa WTO.


Tr s WTO ti Geneva (Thy Sĩ) chun b đón nhn thành viên mi.


Một cách chính xác, đến thời điểm này, quá trình thỏa thuận các điều kiện để gia nhập WTO của Nga đã kéo dài 17 năm. Đây là quãng thời gian chưa từng thấy trong lịch sử tổ chức này. Thông thường, tiến trình đàm phán của các nước có nguyện vọng gia nhập WTO thường chỉ diễn ra khoảng 6-7 năm. Trên thực tế, kể từ khi đệ đơn xin gia nhập WTO và làm những thủ tục đầu tiên, trong vòng 3 năm, từ 1995-1997, các nhà đàm phán của Nga đã trả lời xong 3.500 câu hỏi của các thành viên WTO về hệ thống thương mại của nước này. Các cuộc đàm phán cũng đã thật sự bắt đầu từ năm 1998 theo cả hai kênh song phương và đa phương. Chỉ có điều, chính "thân hình" to lớn đã làm gia tăng mối lo ngại của không ít thành viên WTO về mức độ ảnh hưởng của Nga đến thương mại quốc tế. Vì thế, thay vì chỉ phải vượt qua khoảng 10 đến 20 hiệp định song phương về tiếp cận thị trường như thông lệ, Nga đã được tới 60 nước "quan tâm". Điều này đã từng làm các quan chức Nga hết sức tức giận, vì cho rằng họ đã bị phân biệt đối xử. Thậm chí, tiến trình gia nhập WTO tưởng chừng sẽ bị đình trệ vô thời hạn sau cuộc xung đột giữa Nga với Georgia tại Nam Ossetia tháng 8-2008, khiến quan hệ giữa Mátxcơva với Mỹ và EU gần như đóng băng. Đây là những nguyên nhân làm cho Nga - quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới - còn đứng ngoài WTO.

Hiện tại, Nga vẫn còn phải tiếp tục đàm phán để đạt được sự thống nhất trong các cuộc tiếp xúc đa phương giữa Nga với các nước thành viên WTO, trong đó có vấn đề liên quan tới các quy định thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu và mức trợ cấp nông nghiệp của Nga. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng đây chỉ là những cuộc gặp gỡ mang tính thủ tục vì tất cả các "chướng ngại" lớn nhất như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nga đã đều vượt qua. Dự kiến, quốc gia hơn 141 triệu dân này sẽ giành được "tấm vé" vào WTO khoảng giữa năm 2011.

Sau khi gia nhập WTO, Nga có thể gặp một số thách thức trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, cái lợi của một thành viên WTO là không thể phủ nhận. Đây sẽ là bước tiến lớn trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, mở cửa thị trường Nga cho các công ty và các nhà đầu tư nước ngoài. Tư cách thành viên WTO sẽ tạo động lực quan trọng đối với sự phát triển mọi mặt của Nga cùng những cú hích lớn, giống như Trung Quốc sau khi gia nhập WTO. Dù là một nhà xuất khẩu có nhiều ưu thế, những lợi ích đạt được ở WTO của Nga không thể nhìn thấy rõ ràng như Trung Quốc, nhưng một loạt nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) đã dự đoán rằng Nga có thể thêm 0,5-1% tăng trưởng/năm nếu gia nhập WTO. Ngoài ra, Nga sẽ tiết kiệm mỗi năm 2-2,5 tỷ USD bị mất do các biện pháp phân biệt đối xử trên thị trường thế giới khi đứng ngoài WTO.

Đối với WTO, việc kết nạp thêm một nền kinh tế lớn như Nga làm thành viên sẽ là một thúc đẩy lớn trong quá trình toàn cầu hóa thương mại nhưng đồng thời cũng sẽ dần làm chuyển dịch tương quan lực lượng trong WTO. Điều này có thể nhận thấy rõ ràng nhất trong quá trình thành lập và thay đổi các quy tắc thương mại thế giới.

Quỳnh Chi