Cần giữ những đặc trưng văn hóa địa phương
Xã hội - Ngày đăng : 07:46, 09/12/2010
Những nét đặc trưng của thôn, làng cần được gìn giữ. Ảnh: Bảo Lâm
Nó vừa uốn nắn con người ta vào khuôn phép và động viên hành động một cách đúng đắn, vừa gắn bó dân làng lại với nhau thành một thể thống nhất bền chặt. Do đó, hương ước có vai trò, vị trí quan trọng trong việc xử lý những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống đời thường mà các bộ luật của Nhà nước chưa với tới được.
Trước đây, hầu hết các thôn, làng trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có bản "Quy ước làng văn hóa" nhưng nội dung còn sơ sài, cứng nhắc, dập khuôn, máy móc theo một khuôn mẫu, nặng về tính pháp luật, có những điểm không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Nhận thức được ý nghĩa và tác dụng to lớn của hương ước thôn, làng đối với sự nghiệp phát triển CNH-HĐH trong thời kỳ đổi mới đất nước, ngày 19-6-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24/CT-TTg và Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) có Hướng dẫn số 452/HTT-HD về xây dựng hương ước, quy ước thôn, làng. Hiện nay, để tiếp tục thực hiện việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1869/CT-TTg về việc tăng cường phối hợp với ủy ban MTTQ các cấp đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Quá trình xây dựng hương ước thôn, làng cần phải có điều chỉnh, bổ sung, nhất là khuyến khích, động viên các địa phương tổ chức thành lập ban chỉ đạo hương ước thôn làng (gồm trưởng thôn, trưởng xóm, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân...) để hương ước giữ gìn, bảo tồn và phát huy được các giá trị về phong tục, tập quán, những nét đặc trưng văn hóa của mỗi thôn, làng, đồng thời tổ chức hướng dẫn cho nhân dân thực hiện tốt các nội dung của hương ước đã đề ra, hướng tới việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, khi xây dựng hương ước, có hai vấn đề đáng quan tâm là quy chế thưởng và phạt, vì nội dung này ở làng quê có đặc thù riêng. Thí dụ, có trường hợp ở ngoài xã hội được báo chí đưa tin tuyên truyền rùm beng, thậm chí còn được tôn vinh ông này, bà nọ trên truyền hình, nhưng khi về làng, chưa chắc đã được mọi người nể phục. Trong khi đó, phần thưởng do hương ước của làng quy định dù chỉ là cái bút, quyển sách, hay cái chậu rửa mặt, cái phích đựng nước… giá trị kinh tế không lớn, nhưng lại rất có ý nghĩa ở làng. Hay có người là cán bộ nhà nước đạt nhiều thành tích, khi về nghỉ hưu tại quê lại ăn ở không phải với dân, với làng, bị mọi người chê trách, xa lánh thì bản thân anh ta lúc nào cũng cảm thấy bị cắn dứt, lúc nào cũng trăn trở, dằn vặt… Đó chính là cái hồn, cái cốt của hương ước đã ăn sâu, bén rễ vào trong tiềm thức của mọi người dân trong làng.
Do mỗi một thôn, làng có tập quán, sắc thái riêng nên để hương ước thôn, làng sát với hơi thở cuộc sống của người dân, chúng tôi đề nghị: Trong quá trình chỉ đạo xây dựng hương ước, các cấp có thẩm quyền, nhất là cấp xã, với chức năng, vai trò của mình, nên chủ yếu là khuyến khích, ủng hộ về mặt chủ trương, định hướng về mặt ý tưởng, chứng kiến về mặt pháp lý sao cho đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước chứ không nên can thiệp quá sâu vào nội dung, làm mất đi sắc thái riêng của từng vùng quê. Có như vậy, hương ước thôn, làng mới thực sự là của dân, do dân và vì dân, phát huy được hiệu quả trong đời sống.