Trẻ em cũng là “thượng đế”
Xã hội - Ngày đăng : 07:09, 09/12/2010
Nhà mạng đi tiên phong đưa ra gói cước dành cho trẻ em 5-9 tuổi là Mobifone khi đưa ra gói Mobikid với một loạt ưu đãi, như kích hoạt sẵn một số tiền trong tài khoản và tặng tiền trong những tháng tiếp theo, rồi miễn phí tin nhắn hàng tháng, tính cước giá rẻ cho cả những thuê bao khác đăng ký nhóm. Tất nhiên, ưu đãi này chỉ diễn ra trong thời gian khuyến mãi. Để được hòa mạng gói này, phải có bố (mẹ) đi cùng và xuất trình chứng minh thư của người lớn kèm theo giấy khai sinh của con.
Ảnh minh họa
Cách đây hai năm, các dự báo đưa ra cho rằng, thị trường di động ở nước ta đang ở ngưỡng bão hòa. Các nhà mạng (chủ yếu là 3 "đại gia" Viettel, Mobifone, Vinaphone) khi đó đã thiết kế ra các gói cước hướng về những người có thu nhập thấp, về vùng nông thôn với những ưu đãi đặc biệt. Cùng thời gian này, cả 3 nhà cung cấp dịch vụ chiếm thị phần khống chế kể trên lần lượt đưa ra gói cước cho sinh viên, thiếu niên, học sinh THPT… với nhiều ưu đãi không kém. Song, thiết kế riêng và chính thức công bố gói cước cho các em nhi đồng thì đến nay mới chỉ có Mobifone. Xét ở góc độ kinh doanh, đây là bước đột phá chiến lược của nhà mạng này, ít nhất là so với hai đối thủ còn lại. Dự đoán, với gói cước này, Mobifone có thể thu hút được lượng thuê bao không ít.
Với giới truyền thông, câu chuyện về chăm sóc khách hàng dành cho trẻ em đã được nhắc tới hầu như chỉ xuất phát từ Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Trong nhiều lần trò chuyện với báo giới về các dự án, chương trình đầu tư cho xã hội, trong đó có dự án internet cho ngành giáo dục, lãnh đạo Viettel đều khẳng định đấy cũng là một sự đầu tư cho tương lai. Để các em học sinh khi trưởng thành sẽ lựa chọn và sử dụng các dịch vụ khác của Viettel, lựa chọn Viettel là nơi làm việc, cống hiến… Lãnh đạo ngành thông tin và truyền thông cũng từng phát biểu không ít lần khẳng định việc miễn phí cung cấp internet cho trường học (bắt đầu từ trường mầm non) của Viettel là đầu tư chiến lược, là cách xây dựng thương hiệu. Đáng chú ý, Viettel cũng công bố dự định khi nhảy sang lĩnh vực công nghệ thông tin là thiết kế và sản xuất chiếc điện thoại chỉ có 3-4 phím bấm dành cho trẻ em để thuận tiện cho việc liên lạc và giúp bố mẹ dễ quản lý các em nhỏ này. Nhưng dự án về sản xuất điện thoại của Viettel có lẽ chưa thể là câu chuyện của ngày một ngày hai, vì thực tế lĩnh vực sản xuất công nghiệp công nghệ thông tin trong nước vẫn còn là thách thức lớn không chỉ cho Viettel. Tuy nhiên, đó vẫn là một sự đầu tư mà tập đoàn này đã và sẽ dành để chăm sóc các "thượng đế" nhỏ tuổi. Trong cuộc đua hướng tới khách hàng nhi đồng, đến nay vẫn chưa nghe thấy Vinaphone nói gì.
Với sự phát triển đi lên của xã hội cùng với một loạt dịch vụ tiện ích ra đời nhằm phục vụ cuộc sống, việc trẻ em được tận hưởng các ứng dụng công nghệ hiện đại cũng là chuyện bình thường. Việc các nhà mạng hướng sự quan tâm của mình đến khách hàng "nhí" cũng là một điều đáng ghi nhận. Song, chắc hẳn với ngành giáo dục nói chung, các nhà trường nói riêng, có lẽ bên cạnh việc lo giảng dạy cho các em, nay sẽ phải thêm yêu cầu nhắc nhở các cháu, từ lớp mẫu giáo lớn trường mầm non đến lớp 4 trường tiểu học cần phải nhớ tắt chuông, hoặc tắt điện thoại khi vào lớp(!?).