WWF vì lợi ích riêng?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:32, 09/12/2010

(HNM) - Sáng ngày 8-12, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã có cuộc đối thoại trực tiếp với Tổ chức Quỹ động vật hoang dã (WWF) Việt Nam (VN) về việc cá tra VN bị đưa vào


Chế biến cá tra xuất khẩu


Tại cuộc đối thoại, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã đề nghị WWF VN yêu cầu tổ chức WWF của 6 nước thành viên đưa cá tra VN vào "danh sách đỏ" phải công bố bộ tiêu chí mà họ đã căn cứ để đánh giá. Theo bà Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF tại VN, việc đánh giá các loài thủy sản được WWF làm hằng năm và đưa ra khuyến cáo người sử dụng, mục đích của WWF là hướng đến tiêu dùng bền vững cũng như để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Phương pháp đánh giá năm nay có nhiều đổi mới, có sự phối hợp của 3 tổ chức WWF, Hội Bảo tồn sinh vật biển (MSC) và Quỹ biển Bắc (NSF), có tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế khác. Trong phương pháp này có 19 tiêu chí liên quan đến nhiều vấn đề về nước thải, dịch bệnh cùng các tác động khác. "WWF tại VN hứa đầu tuần tới sẽ cung cấp 19 tiêu chí này cho Bộ NN&PTNT, đồng thời sẽ cung cấp kết quả đánh giá của WWF để cùng xem xét, trao đổi", bà Hiền khẳng định.

Rất nhiều công ty, tổ chức quốc tế sau khi tiếp nhận thông tin trên đã phản ứng tức thời gay gắt như Tập đoàn Findus, Tập đoàn Birds Eye Iglo. Ông Nguyễn Tử Cương, Hội nghề cá VN cho rằng, WWF chỉ là một tổ chức phi chính phủ, "danh sách đỏ" mà WWF đưa ra chỉ là một "tờ rơi", một tài liệu hướng dẫn người tiêu dùng. WWF đã vi phạm 2 quan điểm quan trọng khi đánh giá một sản phẩm, đó là nguyên tắc công khai và khách quan.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi sản phẩm tôm và cá rô phi VN cũng bị xếp vào "danh sách đỏ" trong cẩm nang tiêu dùng thủy sản của WWF này tại châu Âu. Cá rô phi nằm trong sách đỏ ở Bỉ, tôm trong sách đỏ ở Đức. Cũng như cá tra, thông tin trên đồng nghĩa với việc WWF khuyên người tiêu dùng không dùng 2 sản phẩm trên. Câu hỏi đặt ra rằng, phải chăng WWF đang hướng người nuôi trồng, chế biến và bán lẻ thủy sản sử dụng chứng nhận chất lượng do họ xây dựng, dự kiến đưa ra vào năm 2011? Đó là tiêu chuẩn của ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận do WWF và IDH (Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan) thành lập năm 2009. Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, sẽ kiểm tra ngay thông tin để có phản hồi. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người tiêu dùng. Có một sản phẩm tốt và giá bán phải chăng thì thủy sản VN không chịu tác động lớn bởi danh sách đỏ của WWF. Được biết, năm nay VN đã xuất khẩu 538.201 tấn sản phẩm cá tra, giá trị 1.151 triệu USD. Riêng thị trường EU, 184.360 tấn, trị giá 423 triệu USD, chiếm 36,8%. Sản lượng tôm VN xuất khẩu sang EU là 37.100 tấn, kim ngạch đạt 271 triệu USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2009.

Đào Huyền