Hà Nội chi gần 266 tỷ đồng cho Đại lễ
Xã hội - Ngày đăng : 06:13, 09/12/2010
Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển công bố kinh phí từ nguồn ngân sách TP chi cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trong khi trình bày Tờ trình về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách TP năm 2011. Theo đó, nếu chiếu theo quy định của luật thì chưa đến lúc công bố các số liệu này, nhưng đáp ứng mong muốn của nhiều đại biểu HĐND TP và cử tri, UBND TP đã quyết định công bố các số liệu trước quyết toán.
Trước khi bước vào năm 2010, theo nghị quyết của HĐND TP và quyết định của UBND TP, mức kinh phí chi cho Đại lễ được xác định là 350 tỷ đồng. Nhưng sau khi xác lập các khoản chi, dự toán chi trực tiếp cho Đại lễ được rút xuống còn 270 tỷ 669 triệu đồng. Nhưng đến thời điểm này, UBND TP đã ứng trước cho các cơ quan, đơn vị theo dự toán là 265 tỷ 923 triệu đồng, thấp hơn dự toán trên 4,7 tỷ đồng. "Con số quyết toán sẽ chỉ có giảm xuống chứ không cao hơn" - Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển nhấn mạnh.
Số tiền trên được chi cho 3 nhóm nội dung. Cụ thể: Chi cho công tác tuyên truyền, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và tổ chức Đại lễ 250,059 tỷ đồng; chi cho lễ tân 7,6 tỷ đồng; chi cho quà tặng 8,269 tỷ đồng. Cả 3 nhóm chi đều đã được tính toán kỹ để con số thực chi đều thấp hơn so với tính toán ban đầu: Chi cho lễ tân giảm được 2,4 tỷ đồng; chi cho tuyên truyền, văn hóa nghệ thuật, tổ chức Đại lễ giảm được 1,399 tỷ đồng;chi cho quà tặng cũng giảm được 952 triệu đồng. Việc UBND TP công bố kịp thời số liệu này đã được các đại biểu HĐND TP đánh giá cao, đồng thời xóa đi những đồn thổi vô căn cứ về con số chi phí cho Đại lễ lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Báo cáo của UBND TP cũng đưa ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí, chống sai phạm của TP được thể hiện không chỉ ở chủ trương mà còn được tuân thủ trong suốt quá trình thực hiện. TP đã quyết định chuyển địa điểm tổ chức Đêm hội văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tối 10-10 từ Hồ Tây về SVĐ Mỹ Đình để tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng; các hoạt động văn hóa dự kiến diễn ra tại SVĐ Hàng Đẫy được quyết định chuyển về xung quanh hồ Gươm để tận dụng sân khấu, cũng tiết kiệm tiền tỷ. Đó là chưa kể việc tiết kiệm từ việc giảm số điểm bắn pháo hoa, không bắn súng thần công, không thực hiện các mô hình văn hóa thiết kế xung quanh SVĐ Mỹ Đình, không tổ chức liên hoan nghệ thuật quốc tế, quà tặng cho khách trong nước và nước ngoài cũng được thống nhất với sách và lôgô đơn giản… Cũng theo UBND TP, trong quá trình tổ chức Đại lễ, luôn luôn có một tổ công tác giám sát việc chi.
Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển khẳng định, phần quyết toán các khoản chi cụ thể cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ được hoạch định cụ thể và công bố công khai, minh bạch để người dân được biết.
Về dự toán thu chi ngân sách năm 2011, Hà Nội xác định tổng thu 115.000 tỷ đồng, trong đó, thu từ đấu giá đất trên 1.900 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách năm 2011 43.771 tỷ đồng với một số khoản chi như chi đầu tư xây dựng cơ bản trên 6.000 tỷ đồng, chi bảo vệ môi trường 1.413 tỷ đồng, chi cải cách tiền lương 650 tỷ đồng…
Quyết định tăng học phí trước năm học 2011-2012
Cùng ngày, HĐND TP đã thông qua 2 nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết và về chương trình giám sát của HĐND TP năm 2011.
Theo đó, ngoài các nghị quyết mang tính thường kỳ, HĐND TP sẽ ban hành 18 nghị quyết chuyên đề. Trong đó có tới 14 nghị quyết về quy hoạch chuyên ngành đến năm 2020, tầm nhìn 2030, như về GTVT, phát triển thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, phát triển mạng lưới y tế, mạng lưới giáo dục đào tạo, văn hóa, CNTT, phát triển làng nghề, hệ thống thủy lợi, cấp nước, thoát nước… TP cũng sẽ quyết định quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011-2015, cùng với chiến lược phát triển thể thao thành tích cao vào năm tới. Nghị quyết về thu, sử dụng học phí (thực tế là điều chỉnh tăng học phí) đã tạm hoãn từ Kỳ họp thứ 21, cũng nằm trong danh sách các nghị quyết chuyên đề dự kiến xem xét vào năm sau. Theo thông tin từ Ban Văn hóa xã hội HĐND TP, nghị quyết này sẽ được xem xét thông qua trước năm học 2011-2012 để kịp áp dụng.
Về chương trình giám sát năm 2011, HĐND TP đặt trọng tâm là giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và giám sát việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Xác định giải quyết các kiến nghị bức xúc của cử tri và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân là chủ đề thời sự và là lĩnh vực còn nhiều hạn chế, HĐND TP sẽ tổ chức các đoàn giám sát nhiệm vụ này.
Ngân sách ưu tiên cho huyện nghèo, huyện xa
HĐND TP cũng đã thông qua Nghị quyết về Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015 và định mức phân bổ chi ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết về kiện toàn tổ chức và chế độ chính sách đối với lực lượng CA xã; Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, phân cấp nhiệm vụ chi và một số chế độ chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ.
Điểm nổi bật trong nội dung về phân cấp thu chi giữa các cấp ngân sách là TP thực hiện phân bổ theo điều kiện của từng địa phương. Trong đó, tỷ lệ điều tiết nguồn thu, ví dụ như từ đấu giá đất, sẽ tỷ lệ thuận với mức độ khó khăn, thiếu thốn về hạ tầng khung của các quận, huyện, thị xã. Các huyện nghèo ở xã được ưu tiên nhất với tỷ lệ để lại cao như để lại 100% nguồn thu từ đấu giá đất. Các huyện ven đô sẽ được điều tiết ở mức thấp hơn, thấp hơn nữa là các quận nội thành. Về định mức phân bổ chi ngân sách, HĐND TP cũng quyết định đúng như tờ trình của UBND TP là dành ưu tiên cho phát triển hạ tầng khung cho khu vực nông thôn, ngoại thành, cũng như bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ được phân cấp ngày càng mạnh.
Theo các nghị quyết của HĐND TP, phó trưởng CA xã sẽ được hưởng phụ cấp hằng tháng theo hệ số 1,00 mức lương tối thiểu, trợ cấp thường trực sẵn sàng chiến đấu 30 ngày/tháng x 0,05 = 1,5 mức lương tối thiểu. CA viên thường trực tại trụ sở xã hưởng phụ cấp hằng tháng theo hệ số 0,90 mức lương tối thiểu chung và trợ cấp thường trực sẵn sàng chiến đấu 20 ngày/tháng x 0,05 = 1,0 mức lương tối thiểu. CA viên ở thôn hưởng phụ cấp hằng tháng theo hệ số 0,70 mức lương tối thiểu và trợ cấp thường trực sẵn sàng chiến đấu 15 ngày/tháng x 0,05 = 0,75 mức lương tối thiểu. Phó trưởng CA xã và CA viên khi có nhu cầu tham gia đóng BHXH, BHYT thì được hỗ trợ 16% mức phụ cấp được hưởng đối với BHXH và 3% mức phụ cấp hằng tháng đối với BHYT. Đây cũng là mức hỗ trợ BHXH, BHYT dành cho chỉ huy, phó ban chỉ huy quân sự cấp xã. Ngoài ra, dân quân được trợ cấp ngày công lao động là 0,10 mức lương tối thiểu chung. Dân quân khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hằng ngày thì được bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi về và được hỗ trợ tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ bộ binh phục vụ có thời hạn trong QĐND Việt Nam.
Sáng nay 9-12, HĐND TP tiếp tục làm việc với phiên chất vấn được tường thuật trực tiếp trên HTV.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Lê Quang Nhuệ: “UBND TP nên sớm xây dựng chương trình mục tiêu và lập một quỹ đủ mạnh để thực hiện chương trình đó. Đây là cơ sở để khắc phục tình trạng một con đường mỗi đơn vị làm một khúc, nảy sinh tình trạng thiếu đồng bộ hiện nay”. Đại biểu Nguyễn Cao Chí: “TP nên nghiên cứu để có điều tiết tỷ lệ lớn hơn cho các huyện để vừa bảo đảm nguồn lực cho thực hiện nhiệm vụ, vừa khuyến khích, động viên sự chủ động khai thác và sử dụng nguồn thu khai thác được của địa phương”. Đại biểu Triệu Đình Phúc: “Việc tăng tỷ lệ điều tiết cho các quận, huyện vừa giúp địa phương có thêm sự chủ động, lại khắc phục được tình trạng thu về rồi lại chia xuống, vòng vèo, là chỗ dễ nảy sinh cơ chế "xin-cho" không đáng có”. Đại biểu Bùi Thị An: “Đề nghị TP nên phân cấp triệt để cả lòng đường, vỉa hè cho quận, huyện, không nên lòng đường thì sở, ngành, quản lý, vỉa hè lại do quận, huyện lo”. Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển: “Năm tới, UBND TP sẽ trình chương trình mục tiêu ra HĐND TP. Chương trình sẽ tập trung vào mục tiêu phát triển hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế và an sinh xã hội”. |