Việt Nam cần tránh “bẫy thu nhập trung bình”

Kinh tế - Ngày đăng : 15:31, 08/12/2010

(HNMO) – Đó là khuyến cáo của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong Hội nghị Nhóm các nhà Tài trợ cho Việt Nam thường niên năm 2010, đang diễn ra trong hai ngày 7-8/12, tại Hà Nội.

(HNMO) – Đó là khuyến cáo của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong Hội nghị Nhóm các nhà Tài trợ cho Việt Nam thường niên năm 2010, đang diễn ra trong hai ngày 7-8/12, tại Hà Nội.

Theo đánh giá của bà Victoria Kwakwa, từ cuộc gặp trước vào tháng 12 năm ngoái đến nay, Việt Nam đã thành công trong vai trò chủ tịch ASEAN, nâng cao vị thế của Việt Nam trên khu vực và trên toàn cầu. Các chỉ số thu nhập năm 2009 của Việt Nam, được tổng kết năm nay, cho thấy rằng Việt Nam đã đứng vào hàng các nước có mức thu nhập trung bình thấp và đây là những thành tựu hết sức quan trọng.

Trong vòng một thế hệ, Việt Nam đã phát triển từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới thành một nước có vai trò tích cực trong khu vực và toàn cầu, tạo mức sống cao hơn cho đa số người Việt Nam và bước vào một giai đoạn phát triển kinh tế mới ở tầm cao hơn.

Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa cũng nhận định, “Việt Nam có những mong muốn tham vọng, với mục tiêu phát triển một nền kinh tế công nghiệp tiên tiến hơn và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống một con số trong thập kỷ tới. Vì vậy, việc vượt qua những mốc gần đây sẽ là một cơ hội để nhìn lại xem Việt Nam đang ở đâu so với mục tiêu trung hạn và dài hạn, và Việt Nam sẽ làm gì để đạt được các mục tiêu đó”.


Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng.

Việt Nam đang thực hiện quá trình này thông qua việc chuẩn bị Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm 2011-2015. Cả hai tài liệu này đều chỉ ra những lĩnh vực đột phá mà đất nước cần phải tập trung vào để tránh “bẫy thu nhập trung bình” và tiếp tục phát triển thành một nước kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội, Chương trình Phát triển Kinh tế Xã hội và Báo cáo Năng lực Cạnh tranh cũng cho thấy Việt Nam cần nâng cao đáng kể hiệu suất lao động và đầu tư.

Bản Báo cáo Năng lực Cạnh Tranh của Việt Nam vừa được công bố cũng đã nhấn mạnh: Nếu cứ tiếp tục kịch bản như hiện nay, Việt Nam sẽ không gặt hái được những mục tiêu lớn, Việt Nam cần thay đổi để thành công và chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

Phân tích Báo cáo Năng lực Cạnh tranh cũng chỉ ra những thành công của Việt Nam từ giai đoạn cải cách những năm 1980 dựa trên thay đổi về các nền tảng kinh tế và nhân công rẻ cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Tuy nhiên, có những hạn chế về việc tiếp tục sử dụng những lợi thế này. Để duy trì phát triển nhanh và sự năng động về lâu dài, cần có những thay đổi căn bản trong quá trình phát triển của Việt Nam.

Theo đó, bà Victoria Kwakwa khuyến cáo, Việt Nam cần quan tâm tới ít nhất bốn khía cạnh. Một là, xây dựng các nguồn lợi thế cạnh tranh mới, dựa vào tăng năng suất, đổi mới, khác biệt hóa sản phẩm và dịch vụ, sử dụng đầu tư và thương mại hiệu quả hơn. Kinh nghiệm cho thấy, dù con đường phát triển có khác nhau nhưng tất cả các nước phát triển đã thành công trong việc thực hiện quá trình này để không phụ thuộc vào những lợi thế cơ bản sẵn có.

Hai là, tái xác định vai trò của Chính phủ phù hợp với nhu cầu kinh tế thị trường năng động mới nổi – một vai trò giúp cho thị trường hoạt động tốt. Nhờ vậy, cung cấp một môi trường có sự kết hợp cân bằng hơn giữa các công ty nhà nước và tư nhân (trong nước và nước ngoài) cùng cạnh tranh trong nền kinh tế.

Ba là, Việt Nam cần lựa chọn một con đường phát triển bền vững về môi trường và có tính đến những thách thức về biến đổi khí hậu

Bốn là, xác định và thực hiện phương pháp xóa đói giảm nghèo mạnh hơn và hội nhập xã hội rộng hơn có tính đến sự thay đổi của nghèo đói – sự thương tổn ngày càng tăng của việc vượt nghèo với những cơn sốc bên ngoài; khoảng cách thu nhập ngày càng tăng; và tình trạng đói nghèo lâu dài tại các cộng đồng nông thôn và dân tộc thiểu số xa xôi – cũng như các vấn đề về bất bình đẳng giới.

Hơn nữa, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định là cần thiết để có thể tạo ra khuôn khổ chung cho những thay đổi trên. Do đó, những công cụ và thể chế hiện đại để quản lý kinh tế vĩ mô phù hợp với sự chuyển đổi của Việt Nam sang kinh tế thị trường là rất quan trọng.

“Những chuyển đổi này rất quan trọng trong việc củng cố những thành tựu trong quá khứ, giành lại động lực phát triển của Việt Nam và đưa đất nước vào con đường vững chắc để phát huy được tiềm năng của mình… Mặt khác, tiền tài trợ và các dạng tài chính ưu đãi khác cho Việt Nam sẽ giảm đi, trong khi nguồn tiền đắt hơn sẽ tăng lên… Thách thức là phải bảo đảm rằng việc này sẽ được thực hiện một cách trật tự để an toàn nợ trong giới hạn kiểm soát được, và không làm ngưng trệ quá trình phát triển, đặc biệt ở những lĩnh vực mà Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (ví như nước sạch vệ sinh nông thôn, HIV/AIDS), nâng cao chất lượng và tính bền vững của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã đạt được (ví như về giáo dục cơ sở hay xóa đói, giảm nghèo). Tham vọng của Việt Nam là đạt được những mục tiêu cao hơn nhiều so với những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cơ bản. Việc phát triển mối quan hệ này cũng kỳ vọng là sẽ dẫn đến mối quan hệ đối tác chặt hơn – dựa trên sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau – với việc Việt Nam đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thiết lập mối quan hệ để đáp ứng được các ưu tiên của quốc gia” - bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

L.H