Cần sự quản lý có hệ thống
Giáo dục - Ngày đăng : 07:25, 08/12/2010
Mặc dù cả phụ huynh học sinh và giáo viên đều nhận thức rõ tầm quan trọng của môn học này nhưng chất lượng, hiệu quả dạy và học ở những lớp này còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội...
Các bé lớp mẫu giáo lớn Trường Dream House Hà Nội học ngoại ngữ trên máy. Ảnh: TTXVN |
Bà Dương Thị Xuân, Chủ nhiệm cơ sở MN tư thục Sao Mai (tổ 13 phường Định Công, Hoàng Mai):
Các cơ sở giáo dục MN nên tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ
Để đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh học sinh, dù là một cơ sở nhỏ, Sao Mai cũng cố gắng tổ chức chương trình giáo dục ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh cho trẻ. Chương trình do phụ huynh, học sinh tự nguyện tham gia, không bắt buộc. Mục đích của chúng tôi là để trẻ có khái niệm về một hệ ngôn ngữ khác và tích lũy một số vốn từ đơn giản. Theo tôi, các cơ sở giáo dục MN, kể cả công lập và tư thục nên tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ. Đây sẽ là tiền đề để trẻ có thể tiếp thu ngoại ngữ tốt ở các cấp học sau này.
Cô Chung, giáo viên Trung tâm Tiếng Anh trẻ em (Cung Thiếu nhi Hà Nội):
Cơ sở dạy ngoại ngữ cho trẻ phải bảo đảm đủ điều kiện chơi và học...
Trẻ bắt đầu làm quen và học ngoại ngữ tốt nhất là từ 4 tuổi. Với những trẻ đã được làm quen với Anh ngữ từ lứa tuổi MN, sau này sẽ tiếp nhận kiến thức tự tin và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đối với mỗi lứa tuổi của trẻ cần có phương pháp giảng dạy phù hợp. Trẻ càng nhỏ càng cần được học theo phương pháp "trực quan
sinh động", tức là cho trẻ tiếp cận ngoại ngữ qua hình ảnh hoặc trực tiếp tham gia vào ngữ cảnh như đóng kịch, chơi trò chơi... Vì vậy, các cơ sở MN khi muốn dạy ngoại ngữ cho trẻ phải bảo đảm điều kiện để trẻ có thể vừa chơi, vừa học một cách tốt nhất. Nếu trẻ MN chỉ học ngoại ngữ theo phương pháp "học chay" sẽ là phản giáo dục.
P.T.Hà, giáo viên tiếng Anh:
Không thể để dạy tiếng Anh như một trào lưu tự phát...
Tôi là giáo viên tiếng Anh dạy hợp đồng tại một số cơ sở giáo dục MN. Trên thực tế, nhiều cơ sở, đặc biệt là mầm non tư thục, mặc dù cũng tổ chức lớp, thuê giáo viên dạy tiếng Anh nhưng không đủ điều kiện để dạy và học ngoại ngữ cho trẻ. Giáo viên có khi chỉ là sinh viên, còn thiếu phương pháp sư phạm. Cơ sở vật chất giảng dạy thiếu thốn, không có truyện tranh, ảnh bằng tiếng Anh, không có video, không có không gian đủ rộng để trẻ hoạt động theo nhóm hoặc thực hành các trò chơi... Đặc biệt, các cơ sở MN tư thục coi dạy tiếng Anh cho trẻ là một điều kiện để cạnh tranh, thu hút học sinh chứ chưa chú trọng đến hiệu quả và chất lượng giảng dạy. Theo tôi, cơ sở nào tổ chức dạy ngoại ngữ phải đăng ký nội dung và chất lượng giảng dạy với cơ quan quản lý. Không thể để việc dạy tiếng Anh tại các cơ sở MN như một trào lưu tự phát như hiện nay.
Chị Trần Thu Thảo(quận Long Biên):
Quyền được học ngoại ngữ chất lượng cao vẫn là một điều rất xa xỉ
Lâu nay, việc dạy và học ngoại ngữ trong trường học của ta vẫn bị xem nhẹ nên sinh viên dù đã tốt nghiệp đại học vẫn không giỏi ngoại ngữ, gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm và trong công tác. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi rất chú trọng cho các con học ngoại ngữ từ nhỏ. Tuy nhiên, các cơ sở dạy ngoại ngữ ở Hà Nội vẫn còn thiếu và phân bố không đều. Đặc biệt, tiếng Anh dành cho trẻ em, nếu trung tâm đào tạo nào đủ điều kiện về cơ sở vật chất, có người nước ngoài giảng dạy thì có mức học phí khá cao và luôn quá tải. Các cơ sở "bình dân" thì thường là dạy đại trà, chưa chú trọng hình thức và chất lượng các lớp học cho trẻ lứa tuổi MN. Chính vì vậy, quyền được học ngoại ngữ chất lượng cao hiện nay vẫn là một điều rất xa xỉ đối với trẻ em và cả cha mẹ của chúng.