Hàng nghìn người mất cơ hội sống

Xã hội - Ngày đăng : 07:09, 08/12/2010

(HNM) - Theo thống kê được công bố tại hội thảo quốc tế "Cấp cứu trước bệnh viện" do Sở Y tế Hà Nội cùng Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam tổ chức mới đây, hệ thống cấp cứu ở nước ta hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, chủ yếu là cấp cứu nội khoa.

Đã có nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc trước khi bệnh nhân tới bệnh viện do việc sơ - cấp cứu không được thực hiện kịp thời, đúng phương pháp. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chúng ta chưa xây dựng được hệ thống cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan tới cách xử trí ban đầu cũng như cách vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế.

Một ca cấp cứu do tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt - Đức. Ảnh: Linh Tâm

Hậu quả từ việc không được sơ cứu

Tại hội thảo, GS Vũ Văn Đính, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam nhận định: Cấp cứu cho bệnh nhân trước khi tới bệnh viện là khâu rất quan trọng trong mạng lưới cấp cứu. Nếu khâu này được thực hiện tốt, kịp thời thì nhiều bệnh nhân, nạn nhân có cơ hội được cứu sống và chi phí điều trị sẽ thấp hơn. Theo các chuyên gia y tế, mỗi năm Việt Nam có thể giảm tới 10% số người chết do tai nạn giao thông (khoảng hơn 1.000 người) nếu năng lực của hệ thống cấp cứu được nâng cao. Việc nâng cao năng lực cấp cứu được thực hiện bằng cách đào tạo kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên, xây dựng hệ thống trạm sơ cứu dọc các tuyến đường… Tuy nhiên, ngay cả với mô hình Trung tâm Cấp cứu 115 thì cả nước cũng chỉ có bốn thành phố lớn, gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng là có mô hình này. Hơn nữa, những đơn vị 115 hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% số cuộc gọi tới và chủ yếu là cấp cứu nội khoa. Đa số nạn nhân bị tai nạn thương tích được chuyển tới cơ sở y tế bằng phương tiện không chuyên dụng là xe máy, taxi, xích lô. Hiện tại, chúng ta cũng chưa thiết lập được hệ thống thông tin liên lạc giữa trung tâm cấp cứu với các bệnh viện để sẵn sàng đón nhận bệnh nhân và có phương án cứu chữa kịp thời. Hậu quả từ những sự thiếu thốn nói trên là nhiều bệnh nhân đã tử vong trước khi đến được bệnh viện, nơi có phương tiện và điều kiện cấp cứu tốt hơn. Việc vận chuyển không đúng cách còn có thể khiến bệnh nhân phải đối diện với nguy cơ tàn tật.

Tại Hà Nội, trong năm 2009 và 9 tháng đầu năm 2010, chỉ riêng Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận gần 96.000 ca cấp cứu, trong số đó chỉ có 1.766 ca được chuyển đến bằng xe cấp cứu và tuần nào cũng có bệnh nhân, nạn nhân tử vong trước khi tới bệnh viện. Trung tâm Cấp cứu 115 mỗi ngày phục vụ từ 75-85 trường hợp yêu cầu cấp cứu, nhưng so với số lượng bệnh nhân, người bị nạn đến khám cấp cứu tại các bệnh viện ở Hà Nội thì mới chiếm khoảng 15%. Còn ở Bệnh viện Việt - Đức, thống kê cho thấy có tới 90-95% số nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện chưa được sơ cứu tại chỗ.

Trung bình mỗi tháng Bệnh viện Nhi TƯ tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhi đến cấp cứu, khoảng 0,3% trong số đó bị tử vong do cách xử trí ban đầu chưa đúng trong quá trình cấp cứu cũng như vận chuyển lên tuyến trên.

Hà Nội triển khai mô hình điểm

Giải pháp hữu hiệu mà các đại biểu tham dự hội thảo đồng tình là mỗi tỉnh, thành phố cần xây dựng một trung tâm đào tạo kỹ thuật viên cấp cứu chuyên nghiệp, phục vụ công tác cấp cứu trước bệnh viện, từ cấp cứu cá nhân đến cấp cứu hàng loạt sau thảm họa. Ngoài ra, tất cả những người làm công tác bảo đảm an ninh trật tự của địa phương như lực lượng cảnh sát, cứu hỏa, bộ đội cảnh vệ, bảo vệ… cũng cần được học về kỹ thuật cấp cứu cơ bản. Từ năm 2008, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã được chỉ đạo nghiên cứu, tìm hiểu về hệ thống cấp cứu trước bệnh viện theo mô hình Paramedic của Mỹ. Với nòng cốt là các kỹ thuật viên chuyên nghiệp, Paramedic có khả năng đáp ứng các loại cấp cứu nội, ngoại, sản, chấn thương và đó là mô hình phù hợp, có thể áp dụng tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Tới đây, Hà Nội sẽ là thành phố đầu tiên xây dựng mô hình điểm này dưới sự trợ giúp về chuyên môn, kỹ thuật, trang thiết bị, giáo viên của Hội Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Quỹ Global Health Initiative và Bệnh viện St Anthony (Hoa Kỳ).

Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2020, Hà Nội cũng sẽ đầu tư để phủ kín dịch vụ vận chuyển cấp cứu bệnh nhân với bán kính hoạt động của các trạm cấp cứu dao động trong khoảng từ 10km đến 15km. Các trung tâm cấp cứu sẽ gắn với trung tâm y tế, khu đô thị, khu dân cư có mật độ cao với tiêu chuẩn mỗi xe cứu thương phục vụ cho 65.000 dân. Thành phố sẽ xây dựng thêm trung tâm điều hành cấp cứu hoàn chỉnh; 9 trạm cấp cứu vệ tinh tại các khu vực Mỹ Đình, Thường Tín, Xuân Mai, Sóc Sơn, Phùng, Khu đô thị mới Bắc Thăng Long, các khu đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây; hướng tới xây dựng 3 bệnh viện cấp cứu tại các khu vực Bắc sông Hồng (đặt tại Khu đô thị Bắc Thăng Long), khu vực phía Tây (tại Khu đô thị Hòa Lạc) và khu vực phía Nam (tại Khu đô thị Phú Xuyên).

Khi những giải pháp mang tính chiến lược trên được triển khai, năng lực cấp cứu trước bệnh viện được nâng lên cả về nhân lực, trang thiết bị sẽ giúp hạn chế số trường hợp tử vong đáng tiếc.

Đức Trung