Động thái tích cực
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:48, 08/12/2010
Từng là đồng minh thân thiết trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng quan hệ Mátxcơva - Vácsava đã trở nên căng thẳng kể từ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ và nhất là khi Ba Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1999. Đỉnh điểm của những mâu thuẫn giữa hai nước chủ yếu bắt nguồn từ việc Ba Lan ủng hộ kế hoạch triển khai một phần hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ (NMD) tại châu Âu. Ngoài ra, trong lịch sử quan hệ thăng trầm giữa hai quốc gia bên bờ biển Baltic, không thể không kể đến hậu quả từ vụ thảm sát Katyn dưới thời Stalin vào năm 40 của thế kỷ trước.
Tổng thống Balan Bronislaw Komorowski (phải) và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (trái) tại lễ đón ở Warsaw. (Ảnh: AFP) |
Những trục trặc trong quan hệ Nga - Ba Lan không chỉ làm tổn hại tới lợi ích chung của hai nước mà còn khiến cả châu Âu "liên lụy". Sự ngáng trở của Vácsava cách đây 4 năm làm Liên minh châu Âu (EU) bị lỡ một cơ hội quan trọng đưa thỏa thuận đối tác và hợp tác mới với Nga đến một kết thúc "có hậu" đã có lúc là nguyên nhân làm gia tăng những nghi ngại về một EU mở rộng. Trong bối cảnh hiện nay, những nội dung trong thỏa thuận cũ ký kết năm 1997 đã không còn phù hợp, nhất là sau cuộc chiến giữa Nga và Gruzia tại Nam Ossetia. Mátxcơva đã khẳng định vai trò một cường quốc có ảnh hưởng mạnh trên trường quốc tế. Do đó, vị thế của Điện Kremlin trong các cuộc đàm phán về lợi ích Nga - EU cũng đang được chuyển sang thế ngang bằng và Nga đã không còn ở "thế thủ" như trước. Trong khi đó, EU luôn mong muốn một thỏa thuận chắc chắn từ Mátxcơva nhằm bảo đảm nguồn cung khí đốt ổn định cho khu vực luôn trong cơn "khát" năng lượng. Đặc biệt, một số nước phụ thuộc quá lớn về khí đốt vào Nga như Estonia, Latvia và Litva không thể tách rời mối quan hệ cộng sinh này. Chẳng thế mà trong cuộc gặp thượng đỉnh ngay trước chuyến thăm của Tổng thống D.Medvedev tới Ba Lan, các nhà lãnh đạo bốn quốc gia vùng Baltic (Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva) tề tựu tại Vácsava đã không ngần ngại khẳng định, Nga là đối tác quan trọng của châu Âu; đồng thời ca ngợi sự nồng ấm đã trở lại trong quan hệ Nga - Ba Lan và xem đây như một động thái tích cực ở khu vực Baltic.
Như vậy không có nghĩa Nga chịu thiệt hại ít hơn nếu quan hệ với nước láng giềng từng "tối lửa tắt đèn có nhau" bị xuống cấp nghiêm trọng. Thời gian gần đây, Nga đã trở thành bạn hàng lớn thứ hai của Ba Lan. Kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước đang phục hồi và trong 9 tháng đầu năm 2010 đã tăng 40%, đạt 15 tỷ USD. Còn EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm đến 1/2 tổng kim ngạch xuất khẩu của xứ sở Bạch dương.
Vì vậy, cải thiện quan hệ với Ba Lan - một thành viên của EU và NATO sẽ giúp Nga tăng cường lợi ích quốc gia không chỉ về kinh tế mà còn cả an ninh. Một điểm đáng lưu tâm nữa là ở vào vị trí địa lý trọng yếu của châu lục, Ba Lan hiện đang trở thành đích nhắm hợp tác của nhiều cường quốc trên thế giới. Bằng chứng là chỉ một ngày sau chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Dmitry Medvedev, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ tới quốc gia này hôm nay (8-12) trong chuyến thăm hai ngày để thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác Mỹ - Ba Lan và an ninh quân sự chắc chắn sẽ là một ưu tiên. Hẳn là Nga không muốn bỏ lỡ cơ hội hay chậm chân nhằm khẳng định lại dấu ấn tại khu vực từng một thời nằm trong không gian ảnh hưởng truyền thống này.
Tuy nhiên, để có được một mối quan hệ thân mật như trước đây, Nga và Ba Lan còn phải vượt qua cả chặng đường dài, dù thời gian qua đã có nhiều nỗ lực. Việc ký kết 7 văn kiện hợp tác, trong đó có tuyên bố chung về hợp tác nhằm mục đích hiện đại hóa nền kinh tế, các thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác trong cuộc chiến chống ô nhiễm biển Baltic và hợp tác trong các lĩnh vực như hàng hải, viễn thông, văn hóa... trong chuyến thăm của Tổng thống D.Medvedev chưa thể hóa giải được hết những vướng mắc giữa hai bên trong thời gian qua. Chướng ngại lớn nhất cản trở Nga và Ba Lan xích lại gần nhau hơn nữa là một mắt xích của hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ đang được đặt ở miền Bắc Ba Lan và việc mới đây Vácsava chấp thuận cho Mỹ bố trí thêm các máy bay tiêm kích F-16 cùng máy bay vận tải C-130 Hercules trên lãnh thổ.
Thế nhưng, sự kiện lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua, một nguyên thủ Nga thăm chính thức Ba Lan cũng là một động thái rất tích cực cho quan hệ hai nước cũng như sự ổn định của khu vực. Đây thật sự là một khởi đầu quan trọng cho một thời kỳ mới như Tổng thống D.Medvedev nói: "Đôi bên nên tránh để trở thành những con tin của quá khứ mà hãy hướng tới tương lai".