Việt Nam sẽ tiếp tục nhận viện trợ phát triển dành cho nước thu nhập trung bình
Kinh tế - Ngày đăng : 21:08, 07/12/2010
Hội nghị CG năm nay tập trung thảo luận các chủ đề như: Tình hình kinh tế vĩ mô năm 2010 và định hướng cho năm 2011; Vấn đề quản trị công, minh bạch và hiệu quả hoạt động của kinh tế Nhà nước; Quản trị và phòng chống tham nhũng; Năng lực cạnh tranh của Việt Nam, biến đổi khí hậu; Cách tiếp cận chiến lược hơn về huy động tài chính; Định hướng giảm nghèo; Hiệu quả viện trợ, Quan hệ đối tác phát triển; Chiến lược bảo trợ xã hội…
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận định: Trong thời gian qua, các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế đã kề vai sát cánh với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, giúp Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn thử thách. Trong năm 2010, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, doc tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài hính, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai dịch bệnh, nhưng với sự nỗ lực to lớn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, với sự giúp đỡ và hợp tác tích cực của cộng đồng quốc tế, trong đó có sự đóng góp to lớn của các nhà tài trợ, Việt Nam đã đạt được các thành quả đáng khích lệ: ngăn chặn được suy giảm, kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao; kinh tế vĩ mô có bước cải thiện, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo tốt hơn trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn; khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường đạt được những kết quả tích cực; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả thiết thức; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được đảm bảo; công tác đối ngoại đạt kết quả tốt.
Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2010 của Vn đạt khoảng 6,7%. Tăng trưởng GDP bình quân cho cả giai đoạn 5 năm 2006 – 2010 đạt khoảng 7% và GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.160 USD. Việt Nam đã đạt được hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, nền kinh tế vẫn còn yếu kém, khả năng cạnh tranh thấp, nguồn nhân lực bất cập, thể chế cần hoàn thiện.
Theo đó, Bộ trưởng mong rằng, trong thời gian tới các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công chiến lược 10 năm (2011-2020) và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015) với những đột phá quan trọng là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao: Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, quy mô lớn…
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá: Việt Nam đã vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trở thành một trong những nền kinh tế hiệu quả nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong vòng 9 tháng qua, mức tăng trưởng GDP là 6,5%. Riêng quý 3 đạt 7,2%. Với tốc độ này, Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng gần 7% trong năm 2010.
Các đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách không chỉ trong khối doanh nghiệp nhà nước mà trong cả đầu tư nhà nước, trong đó cần ưu tiên cho những dự án hợp lý cả về xã hội, môi trường và kinh tế. Đầu tư nhà nước có hiệu quả hơn sẽ cho phép dành nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư vào giáo dục.
Bên cạnh đó, tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu ra một vấn đề nóng, đó là trong gần hai thập kỷ qua, ODA đã đóng một vai trò quan trọng, cùng với các nguồn vốn khác huy động từ bên ngoài, kết hợp chặt chẽ với các nguồn lực trong nước đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Song, trong bối cảnh của nước thu nhập trung bình, theo thong lệ quốc tế, viện trợ được dành nhiều hơn cho các nước thu nhập thấp, do vậy chính sách tài trợ cho Việt Nam của các đối tác phát triển đang và sẽ thay đổi về quy mô, cơ cấu và các điều kiện cho vay theo hướng tổng quát là việc trợ không hoàn lại sẽ giảm, vốn vay ODA ưu đãi cũng giản; vốn vay ODA kém ưu đãi sẽ tăng. Đó là những thách thức trong hợp tác phát triển mà Việt Nam và các đối tác phát triển của mình phải tìm cách vượt qua…
Các đại biểu cũng nhận định, các đối tác phát triển của Việt Nam, trong đó có nhiều nước là đối tác chiến lược đã cam kết tiếp tục cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam trong thời kỳ mới sau năm 2010. Như vậy, tương lai viện trợ phát triển dành cho Việt Nam sẽ tiếp tục, song sẽ trên quan hệ đối tác viện trợ mới để thích ứng với những thay đổi của một nước đạt mức thu nhập trung bình.
Ngày mai (8/12), Hội nghị CG tiếp tục được diễn ra với các chủ đề chính như: Đảm bảo an sinh xã hội; Tương lai của quan hệ đối tác phát triển khi Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình.
Vào cuối hội nghị, các nhà tài trợ sẽ công bố kế hoạch viện trợ ODA cho Việt Nam năm tới. Năm ngoái, tổng vốn cam kết tài trợ cho Việt Nam là 8 tỷ USD, cao nhất so với những năm trước đó. Theo ước tính, vốn giải ngân trong năm 2010 đạt khoảng 3,5 tỷ USD , thấp hơn 15% so với 2009. Nếu loại trừ hơn 1,8 tỷ USD vốn của các chương trình giải ngân nhanh trong năm 2009 thì giải ngân vốn của các chương trình, dự án ODA năm 2010 so với năm 2009 tăng 30%. Đây là một tiến độ giải ngân đáng khích lệ, song tỷ lệ giải ngân vốn của Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân trong khu vực.