WikiLeaks tiết lộ kế hoạch Mỹ bảo vệ Baltic trước Nga

Thế giới - Ngày đăng : 15:47, 07/12/2010

Theo các bức điện tín ngoại giao mới nhất của Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ, Mỹ và Nato đã phác thảo kế hoạch mở rộng bảo vệ các quốc gia vùng Baltic trước Nga.

Theo các bức điện tín ngoại giao mới nhất của Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ, Mỹ và Nato đã phác thảo kế hoạch mở rộng bảo vệ các quốc gia vùng Baltic trước Nga.


Mỹ và Nato có kế hoạch mở rộng "chiếc ô" bảo vệ các quốc gia thuộc vùng Baltic.

Các bức điện tín mới nhất này được tờ Guardian của Anh công bố, cho thấy Mỹ và Nato có kế hoạch mở rộng kế hoạch bảo vệ Ba Lan hiện có sang bảo vệ cả Estonia, LatviaLithuania.

Trong khi đó, lệnh bắt giữ đối với ông chủ trang WikiLeaks Julian Assange ngày 6/12 đã tới tay giới chức trách Anh. Julian Assange được tin là đang giấu mình tại Anh. Theo luật sư, ông đang chuẩn bị nói chuyện với cảnh sát nước sở tại. Assange bị truy nã để thẩm vấn ở Thụy Điển vì liên quan đến các cáo buộc hãm hiếp mà ông một mực phủ nhận.

Theo tài liệu mới nhất được tiết lộ, vào tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có vẻ như đã ký một công điện mật cho biết các đồng minh trong Nato đã nhất trí mở rộng kế hoạch bảo vệ Ba Lan sang cả các nước vùng Baltic khác. 9 đơn vị Nato tham gia bảo vệ sẽ gồm Mỹ, Anh, Đức và Ba Lan.

Công điện cũng cho biết kế hoạch quân sự này không nên được thảo luận công khai vì nó có thể dẫn đến sự gia tăng căng thẳng không cần thiết trong quan hệ giữa Nga và Nato.

Một công điện khác, được bà Clinton ký, chỉ dẫn sứ quán Mỹ “hành xử” với kế hoạch mới của Nato đối với các quốc gia vùng Baltic như thế nào và nhấn mạnh dự án phải được giữ bí mật.

Các tài liệu được xem xét trong bối cảnh Mỹ nỗ lực “tái khởi động” mối quan hệ với Nga và tăng cường củng cố hợp tác.

Các bức điện tín khác cũng cho thấy thất bại giữa WarsawWashington đối với kế hoạch triển khai tên lửa phòng không Patriot tới Ba Lan. Đây là “mặc cả chính” để Ba Lan quyết định ủng hộ các kế hoạch phòng thủ tên lửa lớn hơn nữa của chính quyền ông Bush trước đây. Nhưng thay vì nhận được các hệ thống tên lửa hoạt động được với đội ngũ kỹ thuật đầy đủ, người Ba Lan chỉ nhận được những máy phóng mà không có tên lửa cùng một nhúm binh sỹ Mỹ. Một quan chức cấp cao của Ba Lan đã bày tỏ quan điểm trong một bức điện tín từ tháng 2/2009 với người Mỹ rằng nước ông đã dự kiến được nhận các tên lửa hoạt động được chứ không phải cái mà ông gọi là “những vũ khí bị cắt xén”.

Tiết lộ chi tiết vụ treo cổ Saddam Hussein

Một công điện ngoại giao khác của Mỹ mới được WikiLeaks tiết lộ đã mô tả chi tiết vụ treo cổ cựu lãnh đạo Iraq Saddam Husein: từ những người bảo vệ chửi rủa Saddam “cút xuống địa ngục” đến giới chức trách dùng điện thoại di động để chụp ảnh.

Vụ treo cổ Saddam vào tháng 12/2006 đã gây ra tranh cãi trên toàn thế giới, sau khi một đoạn video quay bằng điện thoại di động phút cựu lãnh đạo Iraq bị treo cổ được đăng tải trên mạng internet. Trong đoạn video, các nhân chứng đã chửi rủa Saddam khi ông chuẩn bị bị treo cổ.

Những tranh cãi trên đã khiến đại sứ Mỹ khi đó Zalmay Khalilzad viết trong công điện bị WikiLeaks tiết lộ rằng: những người ủng hộ Saddam sẽ dùng vụ treo cổ được chuẩn bị kém đó như một cái cớ để lên án ông ta đã có một phiên tòa không công bằng.

Cũng theo công điện, được chuyển đi vào tháng 1/2007 và được đề là “Mật”, công tố Iraq Monqith al-Faroun, trong một cuộc gặp với ông Khalilzad, cho biết một lính gác hộ tống Saddam tới pháp trường đã chửi rủa Saddam “cút xuống địa ngục”. Và Faroun đã khiển trách người lính gác này. Faroun cũng cho biết ông thấy quan chức Iraq có mặt tại phiên treo cổ đã công khai dùng máy điện thoại chụp ảnh, mặc dù thiết bị này bị cấm.

Phan Anh