Liên hợp quốc rút nhân viên khỏi Cote d'Ivoire

Thế giới - Ngày đăng : 15:31, 07/12/2010

Tính đến ngày 6/12, ít nhất 20 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống ở Cote d'Ivoire.

Tính đến ngày 6/12, ít nhất 20 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống ở Cote d'Ivoire.


Người biểu tình đốt lốp xe trên đường phố ở Abidjan, ngày 4/12 sau tuyên bố ông Laurent Gbagbo tái đắc cử tổng thống. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Trước tình hình căng thẳng hiện nay, Liên hợp quốc đã quyết định tạm thời rút nhân viên của mình ra khỏi nước này.

Một phát ngôn viên Liên hợp quốc cho biết gần 460 nhân viên hậu cần của Liên hợp quốc đã bắt đầu được di chuyển sang nước Gambia láng giềng. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cote d'Ivoire vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Các nhà trung gian hòa giải quốc tế đã kêu gọi Cote d'Ivoire giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở nước này khi cả hai ứng cử viên tổng thống đều tuyên bố thắng cử và thành lập chính phủ riêng.

Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Mỹ và Pháp đều lên tiếng kêu gọi Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo chấp nhận kết quả bầu cử do Ủy ban bầu cử Cote d'Ivoire đưa ra, theo đó ứng cử viên của phe đối lập Alassane Quattara giành chiến thắng với 54,1% số phiếu ủng hộ.

Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc ông Gbagbo trao lại quyền lực cho người "chiến thắng hợp pháp" trong cuộc bầu cử là ông Quattara.

Trong khi đó, EU đã dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Cote d'Ivoire nếu cuộc khủng hoảng này không sớm được giải quyết. Người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại và an ninh của EU Catherin Ashton cho biết EU đang cân nhắc biện pháp "trừng phạt những người cản trở quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình" tại Cote d'Ivoire.

Về phần mình, sau khi cuộc họp của 53 thành viên AU về Cote d'Ivoire không đạt kết quả, cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki kêu gọi cả hai ứng cử viên tìm giải pháp hòa bình để giải quyết tranh cãi giữa họ. Trong khi đó, các lãnh đạo 15 nước thành viên ECOWAS dự kiến họp khẩn cấp về Cote d'Ivoire trong ngày 7/12. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng tuyên bố sẽ xem xét lại viện trợ cho Cote d'Ivoire với lý do "gián đoạn quản lý."

Trong một diễn biến mới nhất, ứng cử viên đối lập Quattara tuyên bố sẽ dành một số ghế trong chính phủ của mình cho các thành viên thuộc nội các cũ của ông Gbagbo, nếu ông này từ chức.

Ông Guillaume Soro, cựu Thủ tướng trong chính quyền của ông Gbagbo vừa được ông Quattara chỉ định làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Phát biểu trước báo giới, ông Soro cho biết: "Nếu ông Gbagbo chấp nhận từ bỏ quyền lực, các bộ trưởng trong nội các cũ sẽ được hoan nghênh trong chính phủ mới."

Cũng trong ngày 6/12, ông Quattara đã bổ nhiệm ông Charles Koffi Dibby, cựu Bộ trưởng Tài chính của ông Gbagbo, vào chính phủ mới. Hiện chưa có khẳng định của ông Dibby về đề nghị này.

Cùng ngày, Hội đồng Bộ trưởng của ông Quattara đã họp phiên đầu tiên tại Khách sạn Golf, dưới sự bảo vệ của Liên hợp quốc. Người phát ngôn của ông Quattara cho biết quan điểm của ông là cuộc khủng hoảng hiện nay nên được giải quyết nội bộ.

Trong khi đó, các nhóm nhỏ ủng hộ ông Quattara đã tụ tập tại thủ đô Abidjan, dựng chướng ngại vật để chặn các ngả đường trong thành phố. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông. Lực lượng quân đội, hiện được cho là ủng hộ ông Gbagbo, đã gia hạn lệnh giới nghiêm thêm một tuần, tới ngày 12/12.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Cote d'Ivoire đã bị châm ngòi sau khi Hội đồng Hiến pháp nước này tuyên bố ông Gbagbo tái đắc cử tổng thống, bất chấp việc Ủy ban Bầu cử trước đó công bố kết quả chính thức cho thấy ông Quattara nhận được 54,1% phiếu ủng hộ và đắc cử.

Tình hình ngày càng căng thẳng và có nguy cơ xảy ra nội chiến khi ngày 5/12, cả ông Gbagbo và ứng cử viên đối lập Quattara đều tuyên bố nhậm chức và thành lập chính phủ mới.

Các chuyên gia lo ngại nguy cơ tái diễn chiến tranh tại nước này dù hòa bình vừa mới chính thức được lập lại sau cuộc nội chiến 2002-2003. Đây được cho là kịch bản tồi tệ nhất đối với toàn khu vực, khi các dòng người tị nạn đổ sang các nước láng giềng. Tuyến đường vận chuyển hàng hóa quan trọng cho các nước như Mali và Burkina Faso bị cắt đứt./. 

Theo TTXVN