Khó có bước đột phá

Thế giới - Ngày đăng : 07:18, 07/12/2010

(HNM) - Hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran vừa le lói đã lại gặp trở ngại. Ngay trước thềm cuộc đàm phán giữa Tehran với Nhóm P5+1 gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) và Đức về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, trong hai ngày (6, 7-12) tại Geneva (Thụy Sỹ), chính quyền của Tổng thống Iran Mamoud Ahmadinejad đã tiết lộ thông tin gây "sốc".

Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran, Ali Akbar Salehi cắt băng khánh thành sự kiện chiếc xe chở mẻ uranium cô đặc đầu tiên của Tehran tại nhà máy biến đổi uranium Isfhan.


Theo đó, ngày 5-12, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran, ông Ali Akbar Salehi cho biết, mẻ uranium cô đặc đầu tiên - được giới khoa học gọi là "bánh vàng" đã được Tehran chiết xuất thành công để sử dụng cho chương trình hạt nhân của nước này.

Sự kiện này như một thông điệp phát đi lập trường cứng rắn của Iran trước các cường quốc là không đổi chỉ một ngày trước cuộc đàm phán tại Geneva. Trước đó, ngày 4-12, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, ông Saeed Jalili cho rằng, nối lại đàm phán có thể giúp cải thiện quan hệ, nhưng không phải để thương lượng về "quyền" được có năng lượng nguyên tử của Tehran; đồng thời cảnh báo phương Tây nên từ bỏ chiến lược sai lầm là vừa gây áp lực, vừa đàm phán…

Trở lại với cuộc đàm phán đang diễn ra ở Geneva, trước hết, đây là một nỗ lực lớn của cộng đồng quốc tế. Sau hơn một năm gián đoạn (từ tháng 10-2009), để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt này, 3 ngày trước khi diễn ra cuộc đàm phán, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã phải tổ chức cuộc thảo luận trước xung quanh chủ đề hạt nhân của Iran (ngày 2-12) tại trụ sở IAEA ở thủ đô Venice (Áo). Thậm chí, Ban giám đốc IAEA, gồm 35 thành viên, đã phải họp sớm hơn dự định khoảng nửa giờ do lo ngại các cuộc thảo luận sẽ kéo dài và có thể gây nhiều tranh cãi. Các thành viên IAEA cho rằng, trong tương lai, Iran có thể tự làm giàu uranium nếu tạo dựng được sự tin tưởng với các nước phương Tây. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của IAEA về Iran đã không cho thấy điều này. Trước ban lãnh đạo IAEA, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano tuyên bố chưa thể xác nhận rằng tất cả các hoạt động hạt nhân của Teheran là nhằm mục đích hòa bình và rằng, Iran vẫn thiếu hợp tác với IAEA trong các nỗ lực nhằm làm sáng tỏ những nghi vấn về chương trình hạt nhân hiện nay của Iran. Sau 8 năm điều tra kỹ càng, đến nay, IAEA vẫn không thể khẳng định chương trình hạt nhân của Iran là phục vụ mục đích hòa bình hay không. Cũng tại cuộc họp của IAEA, các nước phương Tây tiếp tục yêu cầu Iran từ bỏ xu hướng "không tuân thủ và đối đầu"; đồng thời có thái độ tích cực trong đàm phán.

Vấn đề ở đây, theo nhận định của các nhà quan sát, giữa hai bên vẫn chưa đạt được niềm tin để có thể gạt bỏ bất đồng. Sự chuẩn bị trước vòng đàm phán của IAEA và các nước phương Tây nhằm tăng thêm sức ép đối với chính quyền của Tổng thống M. Ahmadinejad với chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này xem ra đã có lời đáp từ Tehran. Và thông tin về thành công của mẻ "bánh vàng" được Iran tung ra ngay trước khi các bên bước vào đàm phán chỉ 24 giờ cũng không ngoài mục đích để Tehran có thêm lợi thế trước các cường quốc phương Tây trên bàn đàm phán.

Do đó, dư luận khó tin về một bước đột phá có thể được tạo ra tại cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Iran với Nhóm P5+1 ở Geneva. Có chăng một kỳ vọng ở đây thì, cuộc gặp mang tên Geneva sẽ chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình mới sau hơn một năm gián đoạn mà thôi.

Trung Hiếu