Hàng hóa ùn ứ tại các cảng biển: Lỗi tại thủ tục?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:33, 06/12/2010
"Đánh vật"... với hàng tồn đọng
Container chất đầy trong cảng Cát Lái (Công ty Tân Cảng Sài Gòn). Ảnh: Kiên Cường
Trong công văn gửi Cục Hàng hải báo cáo về tình trạng hàng tồn đọng, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Hùng Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn cho biết, tại cảng đang tồn 16 container, 4 kiện hàng. Gây bức xúc lớn nhất là lô bột thịt hơn 300 tấn do Công ty TNHH Chim Én mua của Công ty Sin Soon Huat (Malaysia) cập cảng Khánh Hội từ ngày 5-9-2007. Sau khi kiểm tra, Công ty Chim Én phát hiện lô hàng trên không đúng chất lượng nên đã đưa ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phân xử, nhưng bên bán vắng mặt. Ngày 13-2-2008, VIAC chấp nhận yêu cầu của bên mua về việc hủy hợp đồng với bên bán, đồng thời buộc bên bán phải nhận lại toàn bộ lô hàng gồm 15 container bột thịt và chịu mọi chi phí phát sinh. Công ty Chim Én đã nhiều lần gửi thư, cử người liên hệ, nhưng từ đó đến nay, bên bán "mất tăm". Lô hàng cứ chềnh ềnh tại cảng, chất lượng, giá trị giảm dần và gây ô nhiễm môi trường.
Cũng tại cảng Sài Gòn, hiện còn lô hàng máy thổi từ năm 2008 đến nay cũng không giải quyết được do phía chủ hàng không làm được thủ tục hải quan, nhưng cũng không có công văn từ chối nhận hàng. Nhưng "vô địch" về nằm lâu tại cảng là lô hàng thiết bị nặng gần 10 tấn được nhập từ tàu Rickmers Seoul 02 cập cảng Tân Thuận từ ngày 12-7-2003. Lô hàng này đã được thông báo hàng quá hạn nhiều lần và 7 năm trôi qua chủ hàng vẫn không đến làm thủ tục nhận. Đến ngày 22-3-2010, Hải quan cửa khẩu khu vực 3 TP Hồ Chí Minh mới có văn bản thông báo lô hàng đã làm thủ tục hải quan và không thuộc phạm vi quản lý, đề nghị cảng Sài Gòn thanh lý hàng tồn đọng theo quy định. Phó Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng Bùi Chiến Thắng cho biết, tình hình tại đây cũng tương tự khi nhiều container bị tồn đọng không giải quyết được.
Không chỉ các cảng, mà các doanh nghiệp (DN) vận tải cũng bức xúc về tình trạng hàng tồn đọng. Trong công văn gửi Cục Hàng hải, Hãng Maersk Việt Nam cho biết, đã yêu cầu cảng Cát Lái và Chùa Vẽ thanh lý 57 container tồn đọng năm 2009, 116 container tồn đọng năm 2010. Tuy nhiên, chỉ có 5 container được thanh lý, trả container rỗng cho DN, thời gian bình quân cho việc hoàn thành thủ tục thanh lý và thanh lý là 11 tháng. 168 container còn lại vẫn trong quá trình thanh lý. Đáng chú ý có 52/168 container đã được gửi đến hội đồng thanh lý 13 tháng vẫn chưa xong. Việc chậm xử lý gây nhiều tổn thất cho hãng tàu, bởi phải trả chi phí cao thuê container mà không thể sử dụng…
Cần thống nhất trong giải quyết hàng tồn đọng
Theo phản ánh của các cảng và hãng vận tải, việc tồn đọng hàng hóa không chỉ gây lãng phí về chi phí kho bãi, bảo quản, mà còn gây khó khăn cho việc tổ chức bố trí chỗ cho các lô hàng khác. Ngoài ra, việc để lâu còn gây ô nhiễm môi trường, nhất là những lô hàng bị phân hủy, hoặc "rác thải công nghiệp". Có điểm chung là các đơn vị đều cho rằng sự chậm trễ trong việc xử lý hàng tồn đọng có liên quan đến Thông tư 05/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn kho tại cảng biển. Để thanh lý hàng tồn đọng, một trong những yêu cầu là chủ hàng phải có văn bản chính thức từ bỏ quyền lưu giữ hàng hóa. Trên thực tế, khi đã không nhận hàng, các chủ hàng bỏ mặc luôn không cần báo cáo với cơ quan chức năng.
Đại diện cảng Hải Phòng cho rằng, trước đây việc thực hiện Thông tư 05 không vướng mắc, nhưng 2 năm gần đây thì gặp khó khăn do thủ tục xác minh của cơ quan hải quan với những lô hàng tồn đọng. Cụ thể, theo hồ sơ đề nghị xử lý của chủ tàu, chủ hàng sau khi đã có công văn từ chối phải báo cáo hải quan xác minh trong 5 ngày xem có thuộc đối tượng xử lý Thông tư 05 hướng dẫn không. Nếu nằm trong đối tượng xử lý, mới lập hồ sơ báo cáo hội đồng xử lý. Tuy nhiên, nhiều lô hàng không nhận được phản hồi của cơ quan hải quan nên không thể xử lý. Do vậy, việc xử lý một lô hàng đã có công văn từ chối nhận hàng của chủ hàng và công văn đề nghị xử lý của hãng tàu thường diễn ra rất chậm, có lô kéo dài vài năm.
Để tạo điều kiện giải phóng hàng hóa tồn đọng, thúc đẩy giao thương thuận lợi, đại diện các cảng kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư 05 cho phù hợp với thực tế, cảng Sài Gòn đề nghị cần quy định rõ hơn về thời hạn lưu kho để xác định hàng lưu kho quá thời hạn. Bên cạnh đó, có chế tài chặt hơn với trường hợp khách hàng không nhận hàng, mà cũng không có văn bản chính thức từ bỏ quyền lưu giữ, cảng Hải Phòng đề xuất, việc sửa đổi Thông tư 05 phải quy định cụ thể đối tượng xử lý, thời hạn xử lý để tạo điều kiện cho hội đồng thanh lý thực hiện nhiệm vụ. Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, Bộ GTVT cùng Bộ Tài chính, Bộ Công thương cần thống nhất phương án thanh lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển, sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư 05. Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản giao cho các bộ, ngành tùy theo nhiệm vụ sớm giải phóng hàng hóa, nếu cần chủ động điều chỉnh văn bản quy phạm theo quy định.