Châu Âu lạnh giá vì… Trái đất nóng
Thế giới - Ngày đăng : 07:14, 06/12/2010
Mùa đông năm nay đến sớm hơn và không khí lạnh buốt những ngày vừa qua đã kéo nhiệt độ xuống âm 15-20 độ C. Các nước Bắc Âu hầu như chìm ngập trong tuyết trắng. Nhiệt độ ở nhiều khu vực Trung và Đông Bắc Âu xuống tới âm 33 độ C. Đợt giá rét này đã làm 28 người chết, trong đó Ba Lan là nước có nhiều người chết nhất (18 người). Hàng chục chuyến bay trong nước và quốc tế tại các nước trong khu vực phải hoãn nhiều giờ hoặc bị hủy bỏ, hàng nghìn trường học phải đóng cửa, nhiều tuyến giao thông đường bộ bị tê liệt do tuyết phủ dày... Một loạt nước ở Tây Âu như Anh, Pháp, Đức, Bỉ... cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của đợt giá rét và bão tuyết dữ dội này. Ngay tại Berlin (Đức), tuyết rơi phủ dày hơn 10cm trên đường, trong khi ở miền Đông Nam nước này có nơi tuyết phủ dày tới 40cm. Tại vùng Normandy của Pháp, nhiều khu vực ngập trong tuyết dày 60cm. Đây là đợt tuyết rơi dữ dội nhất ở khu vực này trong hơn 40 năm qua.
Các hoạt động giao thông bị tê liệt do nhiều tuyến đường sắt, đường bộ bị tuyết phủ. Hàng trăm chuyến bay quốc tế và nội địa tại các sân bay, kể cả các sân bay quốc tế lớn ở Đức, Pháp bị hủy, ảnh hưởng đến hàng nghìn hành khách. Hoạt động trên tuyến đường sắt Eurostar giữa London, Paris và Brussels cũng bị gián đoạn. Nhiệt độ tại sân bay Gatwick, sân bay lớn thứ hai ở Anh xuống dưới âm 10 độ C, làm sân bay này phải tiếp tục đóng cửa đến 6 giờ sáng ngày 3-12 (tức 1 giờ chiều Hà Nội) sau khi đã phải đóng cửa từ hai ngày qua. Trong khi đó sân bay Heathrow, sân bay lớn nhất nước Anh và là một trong những sân bay lớn ở châu Âu, đã phải hủy hơn 200 chuyến bay do một số sân bay nội địa và ở châu Âu bị đóng cửa. Đây được coi là đợt giá rét khắc nghiệt nhất ở Anh kể từ năm 1965. Thời tiết khắc nghiệt khiến kinh tế Anh có thể thiệt hại tới 1,2 tỷ bảng (1,9 tỷ USD)/ngày.
Các nhà khí tượng thế giới khẳng định mùa Đông đến sớm và khắc nghiệt ở châu Âu hiện nay là một đột biến do quá trình nóng lên lâu dài của trái đất. Điều này được minh chứng qua công bố của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tại COP-16 rằng năm 2010 có thể sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử cận đại và thập kỷ 2001-2010 cũng được coi là giai đoạn có nhiệt độ cao nhất, trong đó châu Á, châu Phi và Bắc Cực là những khu vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Thế giới đã được chứng kiến những đợt mưa lũ lịch sử trên diện rộng tại Pakistan, Mexico, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Colombia. Những đợt nắng nóng bất thường cũng được ghi nhận ở Nga, Phần Lan, Ukraine và Belarus. Mùa đông năm 2010 cũng khác thường với nhiệt độ thấp kỷ lục được ghi nhận ở Bắc và Trung Âu. Vì thế, WMO đưa ra nhận định trên và những số liệu về tình hình khí hậu hiện nay trên Trái đất nhằm hối thúc các nhà đàm phán sớm tìm được tiếng nói chung trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu để từ đó nhanh chóng vạch ra chương trình hành động cụ thể nhằm chung tay cứu Trái đất trước khi quá muộn.