Không chỉ là trách nhiệm của trường học

Giáo dục - Ngày đăng : 07:11, 06/12/2010

(HNM) - Trong bối cảnh đạo đức, lối sống của học sinh (HS), sinh viên (SV) hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều biểu hiện đáng lo ngại, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức hội thảo tác động của gia đình, xã hội ảnh hưởng đến HS, SV.


Những ý kiến thảo luận tại hội thảo đã cho thấy nhiều cách nhìn về giáo dục gia đình cũng như môi trường xã hội có quá nhiều bất cập tồn tại nằm ngoài tầm khống chế của những người đứng trên bục giảng. Và điều đó đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc hình thành nhân cách, đạo đức và lối sống của HS, SV…

Gia đình: Nuôi nhiều hơn dưỡng


Điện thoại di động hiện đã trở nên phổ biến trong học sinh, sinh viên. Ảnh: Thanh Hải


Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Một xã hội tốt đẹp phải được xây dựng bằng những tế bào khỏe mạnh. Theo bà Đinh Thị Thanh Hằng, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai suy nghĩ, lời nói, cử chỉ, hành động… của những người làm cha, làm mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống, cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành nhân cách của những "công dân tương lai". Gia đình được coi là trường học đầu tiên cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Khi còn nhỏ, nhân cách HS chưa được thể hiện rõ ràng, nhưng thông qua sự bắt chước hành động của người lớn, mà thường xuyên và gần gũi nhất là bố - mẹ, trẻ bắt đầu thâu nhận tất cả để hình thành nhân cách của mình. Rõ ràng, một ông bố tham nhũng khó thuyết phục được con phải thật thà; một bà mẹ bừa bộn, cẩu thả không thể dạy con phải gọn gàng, sạch sẽ… Kết quả điều tra của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho thấy, có tới 68% giáo viên và 42% HS nói rằng các em vi phạm kỷ luật là do bố mẹ thiếu gương mẫu trong cuộc sống.

Đời sống kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ vào cuộc sống của không ít gia đình. Không hiếm các ông bố, bà mẹ vì quá mải mê với việc kiếm tiền, ít khi hoặc thậm chí không dành thời gian trò chuyện với con; có gia đình đáp ứng mọi nhu cầu, đòi hỏi của con bằng cách cho tiền, thật nhiều tiền và cho rằng như thế là đã quan tâm, chăm sóc chúng đầy đủ, còn trong chuyện học hành thì "trăm sự nhờ thầy". Theo đại diện Ban giám hiệu Trường THPT Thường Tín thì đây là những nguyên nhân dẫn đến việc những đứa trẻ trở nên lạc lõng, cô đơn, khi có vướng mắc không biết chia sẻ cùng ai, nên thường tìm cách tụ tập, đua đòi… Vì thế mà đã có người khi được thông báo về tình hình của con mới giật mình bởi mọi sự đã đi quá tầm kiểm soát của mình.

Các ý kiến của thành viên Ban Đại diện cha mẹ HS Trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm) cũng cho rằng, những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, sự gia tăng của tệ nạn xã hội, cách giáo dục con chỉ bằng đồng tiền, cuộc sống gia đình không hòa thuận, bố mẹ ly tán… đã hình thành ở nhiều HS, SV lối sống ích kỷ, hưởng thụ, đề cao vật chất, xem nhẹ nhiều giá trị đạo đức truyền thống…

Xã hội: Quá nhiều cạm bẫy


Hầu hết ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, sự hội nhập với nền văn hóa văn minh, hiện đại đã khiến không ít bạn trẻ choáng ngợp trước lối sống mới lạ và đã không chọn lọc nên rơi vào vòng xoáy của "cơn lốc Tây hóa", nảy sinh những cách sống thiếu lành mạnh, như sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, tư tưởng thích sống tự do buông thả…

Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân cho rằng, HS, SV hiện nay sống trong thế giới ảo nhiều quá. Nếu như trước kia, để có thể truy cập interrnet, chúng ta phải bật máy tính, còn bây giờ, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, các em chỉ cần có một chiếc điện thoại. Mà sắm điện thoại thì thật đơn giản. Thế là ngồi trong lớp không tập trung nghe giảng, luôn tìm cách thỏa mãn nhu cầu cá nhân như chơi game, nghe nhạc, lướt web…

Cùng chung nhận định này, nhiều vị hiệu trưởng khác cũng thẳng thắn: Sự buông lỏng trong giáo dục của gia đình đã dẫn đến không ít những hậu quả xấu trong lối sống của HS, SV. Nhiều phụ huynh tưởng rằng quan tâm tới con cái nghĩa là chu cấp cho con đầy đủ điều kiện vật chất mà quên rằng, chính sự thiếu quan tâm, chia sẻ, lắng nghe ở các khía cạnh tâm, sinh lý của con là nguyên nhân khiến cho quan hệ gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo và thiếu bền vững. Khi không có cha mẹ "dẫn đường", hoặc bị bỏ rơi trong chính gia đình mình, con cái dễ rơi vào tình trạng hẫng hụt, nhiều em đã tìm đến bạn bè tụ tập, ăn chơi, hành xử theo bản năng… Mà ngoài xã hội thì không thiếu cái xấu và đầy cám dỗ, trong khi tâm hồn, kỹ năng ứng phó với cuộc sống của các em còn quá non nớt. Và rồi, kết cục của những đêm miệt mài với những quán nhậu, những buổi ăn chơi, với trò chơi điện tử, những mối quan hệ ảo… là phạm tội.

Vì thế, nguyên Viện trưởng Viện Tâm lý, GS Đỗ Long cho rằng, trong bối cảnh xã hội phức tạp như hiện nay, tương lai của những cô, cậu HS, SV sẽ được bảo đảm hơn khi mỗi gia đình thực sự là những "con đê chắn sóng" đẩy lui những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Gia đình - nhà trường - xã hội được xem như "kiềng ba chân", có quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng tác động tới sự phát triển hành vi, đạo đức và lối sống của HS, SV. Trong đó vai trò của gia đình chiếm vị trí quan trọng, cha mẹ phải là người mực thước trong việc giáo dục con cái những giá trị đạo đức làm người đầu tiên, vì gia đình là cái nôi hình thành nhân cách của mỗi con người. Điều đó đòi hỏi những người làm cha, làm mẹ phải có những thay đổi về suy nghĩ và hành động trong giáo dục con cái. Bên cạnh đó, môi trường xã hội cũng phải không ngừng được cải thiện, lành mạnh hóa cùng với sự đổi mới của ngành giáo dục trong việc giáo dục đạo đức, pháp luật. Chỉ có như vậy mới tạo nên nền tảng căn bản trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách và hình thành lối sống lành mạnh cho HS, SV.

Thống Nhất