Bình tĩnh chống lạm phát
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:40, 06/12/2010
Theo thông báo từ cuộc họp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng 1,86% so với tháng 10 và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái, là tháng tăng cao nhất trong 2 năm nay. Khả năng kiềm chế tăng giá hàng hóa tiêu dùng của năm nay dưới 2 con số đang gặp nhiều khó khăn.
Dư luận rất chú ý việc trong các mặt hàng tăng giá, nhóm hàng lương thực - thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất (nhóm hàng lương thực 6,2%, tiếp đến là thực phẩm, đồ uống). Mặt hàng vật liệu xây dựng đứng hàng thứ hai, tăng 1,74% so với tháng trước.
Giá hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước tăng nhanh; tình hình tài chính của Hy Lạp, tiếp theo là Ireland diễn biến xấu khiến kinh tế châu Âu chao đảo, dẫn tới hàng loạt hệ lụy: vàng tăng giá và USD sụt giá trên thị trường thế giới; thị trường địa ốc tiếp tục đóng băng. Đáng chú ý là thông tin về việc tăng lương, tăng giá điện vào đầu năm tới… và tâm lý người tiêu dùng là nguyên nhân của tình trạng tăng giá hiện nay.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang tiếp tục phát triển theo hướng tích cực: sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, giá trị xuất nhập khẩu đạt khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt kế hoạch, bảo đảm nguồn chi; an ninh trật tự xã hội ổn định; đời sống nhân dân được cải thiện… Đó là những thuận lợi rất cơ bản nếu ta biết tranh thủ thời cơ, thực hiện đồng bộ, tập trung các giải pháp ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát.
Trong mọi nền kinh tế, nhất là với nước ta đang trong quá trình thị trường hóa các quan hệ kinh tế, giá cả một số hàng hóa dịch vụ có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước như lãi suất ngân hàng, giá điện, xăng dầu, xi măng, phân bón, giấy… có vai trò rất quan trọng. Ai cũng biết tăng giá điện là cần thiết, nhưng tăng giá điện, giá xăng dầu vào thời điểm nhạy cảm này sẽ kéo theo sự tăng giá của hàng loạt mặt hàng khác. Một vấn đề khác, chi tiêu chính phủ chiếm giá trị lớn nhất trong chi tiêu của một nước. Kiên quyết tiết kiệm chi, hoãn chi… để giảm bớt chi tiêu cho ngân sách nhà nước, tăng tích trữ quốc gia, giảm mất cân đối cung cầu, giảm bội chi đồng thời kích thích sản xuất phát triển là những biện pháp hàng đầu để hạ nhiệt tình hình giá cả hiện nay, kiềm chế lạm phát.
Bởi vậy, giải pháp có hiệu quả nhất là thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, kết hợp chặt chẽ các biện pháp của Nhà nước và sự tham gia tích cực của nhân dân. Về phía vĩ mô, cần chỉ đạo sát sao và thông tin đầy đủ tới người dân về lãi suất ngân hàng, về tỷ giá và giá cả. Giá vàng, tỷ giá USD và VND thời gian qua là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới lạm phát. Cần kiểm soát việc đăng ký giá với 17 mặt hàng thuộc diện này và 6 mặt hàng phải kê khai, niêm yết giá công khai theo quy định của Chính phủ. Tạm thời chưa tăng giá điện, than, xăng dầu; kiểm soát được giá vàng và USD trên thị trường; điều tiết lãi suất ngân hàng để thu tiền vào là những biện pháp hữu hiệu nhất hạn chế tăng giá hàng tiêu dùng được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình.
Để bình ổn giá, một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã lập quỹ bình ổn giá từ ngân sách của thành phố và đã có kết quả tích cực. Tuy nhiên, vì hàng bình ổn chưa đủ mạnh để khống chế giá cả thị trường, không nên coi đây là biện pháp quan trọng nhất mà chỉ có tính chất hỗ trợ. Càng gần đến cuối năm và trước Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng càng tăng cao. Khi cung không đủ cầu, sẽ xuất hiện tình trạng đầu cơ, buôn lậu, làm hàng nhái, hàng giả và tùy tiện tăng giá như với thuốc chữa bệnh và sữa bột vừa qua. Làm tốt việc quản lý giá ở tầm vĩ mô, điều tiết lãi suất, tiết kiệm chi tiêu công nhưng nếu không kiểm soát việc đầu cơ tăng giá, hàng hóa vẫn thiếu, tâm lý người tiêu dùng không ổn định thì chống lạm phát vẫn rất khó khăn.