Mai này còn lại…
Xã hội - Ngày đăng : 07:19, 05/12/2010
Một Tủ sách…lạ!
Trương Công Tú, người khởi xướng theo đuổi mô hình Tủ sách Văn hóa mang tên công ty mình-Vietpictures là đạo diễn trẻ đã được biết đến qua một số chương trình gắn liền với Hà Nội như "Thăng Long nhân kiệt", "Người Hà Nội" (VTV1). Tủ sách này có hai xuất bản phẩm song hành là đĩa DVD và sách in. Nhưng điều đáng nói là tất cả bắt nguồn từ nguồn tư liệu hình ảnh động khá phong phú mà Trương Công Tú đã song song ghi lại từ 2003 đến nay trong quá trình thực hiện chương trình truyền hình về di sản văn hóa Việt cho Đài THVN. Như vậy, cái ra đời trước trong mô hình Tủ sách này sẽ là một thư viện hình ảnh động về văn hóa Việt, trong đó Hà Nội chiếm phần lớn. Khi những khuôn hình đã đủ để làm bật lên câu chuyện, thì sách ra đời. Cuốn sách đầu tiên vừa công bố "Người Hà Nội" giới thiệu 36 nhân vật nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, vị trí xã hội của mảnh đất ngàn năm này là một ví dụ cho cách làm nhấn nhá, nhiều tính gợi mở, như một thú chơi. Chữ không nhiều, thoáng, hình ảnh chọn lọc và bổ trợ mạnh mẽ cho thông tin bài viết. Khổ sách cũng thống nhất theo hình dáng chiếc màn hình tivi - một hình ảnh quen thuộc của người làm truyền hình. Sách thì thế, còn DVD kèm sách lại làm tiếp công việc truyền cảm bằng hình ảnh vốn là những khoảnh khắc sống động của quá khứ còn lưu giữ được. Một cụ già 80 thổi tiêu bên Bờ Hồ, một người thợ già khắc bút, một làng nghề truyền thống hay một gương mặt nghệ nhân đã níu bóng thời gian…
Hiện nay, toàn bộ tư liệu hình ảnh động về di sản văn hóa Hà Nội đã được hệ thống. Như Trương Công Tú mong mỏi, từ thư viện hình ảnh này, những cuốn sách, đĩa DVD có thể nối nhau ra đời, bổ trợ cho việc dạy, học, tìm hiểu về lịch sử, di sản, văn hóa Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.
Tuy nhiên, điều mà bất cứ người làm xuất bản phẩm nào cũng phải tính đến là hiệu quả phát hành. Bán cho ai khi giá in sách, làm DVD không rẻ, và nhất là nếu mà "hay hay" thì thể nào thị trường cũng có ngay sách lậu, đĩa nhái phát hành song song. Biết vậy, Tủ sách Văn hóa của Trương Công Tú và các cộng sự trẻ tuổi quyết định chọn lối đi dài. Trước mắt, sau 3 tháng phát hành, toàn bộ nội dung sách, DVD sẽ được "up" lên internet qua trang web của Vietpictures. Lâu dài, như tất cả những ai làm văn hóa thì phải tìm đến các nhà tài trợ xây dựng các dự án vừa phải, cung cấp sách, DVD tới các trường học, các thư viện, các tổ chức văn hóa…
Lối đi ấy tất chẳng dễ dàng, nhưng có lẽ nguồn động viên lớn nhất đối với những người làm công việc này là khối tư liệu văn hóa quý giá bằng hình ảnh động mà họ đã chọn lọc, hệ thống và lưu giữ được.
Cần lắm một sợi dây gắn kết
Nếu như Tủ sách của Trương Công Tú là một mô hình hoàn toàn do cá nhân sáng lập và thực hiện thì Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến là một công trình do ngân sách thành phố đầu tư. Ngày 19-5-2009, trang web mang tên Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến ra đời thực hiện một nhiệm vụ quan trọng của dự án này là đầu mối xây dựng kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long-Hà Nội. Những nhà văn hóa, khoa học đặc biệt quan tâm tới kho tư liệu công nghệ số này, trong đó có vấn đề sưu tầm, lưu giữ hình ảnh động về mọi mặt của Hà Nội. Đây là việc không dễ dàng, nhưng tới đây khi kế hoạch chi tiết giai đoạn 2 của dự án này được thông qua, lưu trữ hình ảnh động của Hà Nội sẽ là một nội dung không thể xem nhẹ. Hiện tại trang web của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến có lượng người truy cập trung bình hằng ngày khoảng 10 nghìn người với đủ mọi thành phần độc giả từ khắp nơi trên thế giới, trong đó nhiều nhất là châu Âu, châu Á. Sức hấp dẫn của văn hiến Hà Nội rõ ràng không nhỏ, và cơ hội để quảng bá Hà Nội, Việt Nam cũng không nhỏ.
Điều này, vị đạo diễn trẻ của mô hình Tủ sách Văn hóa Vietpictures cũng đã nhận thấy và theo đuổi: "Văn hóa di sản là hộ chiếu của mỗi dân tộc, là gương mặt đại diện của mỗi đất nước trong thế giới toàn cầu hóa. Văn hóa cũng là yếu tố quan trọng tạo sức mạnh mềm của mỗi quốc gia".
Từ câu chuyện về hai Tủ sách trên, người viết hình dung rằng Hà Nội đang trở thành tâm điểm trong nhận thức, hành động của rất nhiều người, đặc biệt là người trẻ tuổi. Nhưng để có được những kết quả thật rõ nét và mạnh mẽ, hình như rất cần một sự khâu nối, liên kết. Còn nhớ, vừa qua, khối tư liệu hình ảnh tĩnh đồ sộ hàng nghìn ảnh về Hà Nội do KTS Đoàn Bắc sưu tầm, hệ thống gây được ấn tượng mạnh cũng là nhờ nhận được sự vào cuộc ủng hộ của rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Mai này, muốn còn lại chút gì sâu nặng của Hà Nội với cháu con thì rõ ràng những việc làm như trên rất đáng được quan tâm một cách thiết thực.