“Về Hà Nội biểu diễn trong năm Đại lễ là niềm vui lớn”

Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 05/12/2010

(HNM) - Đó là câu Khôi Nam mở đầu cuộc gặp gỡ của chúng tôi nhân dịp về biểu diễn bản Concerto D Major Op. 61 của Beethowen với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam do Lê Phi Phi, Nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Makedonia chỉ huy diễn ra trong hai đêm 4 và 5 tháng 12.

Từng là học trò của cố Giáo sư Nguyễn Bích Ngọc, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, năm 1993, anh có điều kiện sang Pháp học ở Nhạc viện quốc gia Paris (conservatoire National de Paris). Đang học năm thứ hai, Khôi Nam trúng tuyển cuộc thi của Dàn nhạc quốc gia Pháp (L'orchestre National de France) và từ đó đến nay Khôi Nam là thành viên chính thức của dàn nhạc này (dàn nhạc trả lương). Vừa biểu diễn vừa tiếp tục học, Khôi Nam đã tốt nghiệp Nhạc viện với bằng giỏi.

Đây là lần thứ năm Khôi Nam biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, sau các chương trình diễn tấu các bản concerto viết cho violon và dàn nhạc của Bruch, Sain-Saen, Mendelssohn, Mozart.

- Tháng 8 năm 2005, anh đã nói với độc giả Báo Hànộimới rằng anh muốn được chơi bản concerto số 1 viết cho violon của Beethowen trước công chúng Thủ đô…

- Đúng thế và bây giờ tôi đã thực hiện được mong muốn ấy. Đây là một bản concerto cho violon rất hoàn hảo, hay nhất mà cũng khó diễn tấu nhất trong các bản concerto viết cho violon. Nó giống như một symphonie (giao hưởng) hơn là concerto. Nó không khó hiểu nhưng khó diễn tả. Bản nhạc rất cổ điển nên yêu cầu rất nghiêm ngặt về mọi mặt, càng diễn càng thấy khó nhưng cũng vì thế mà tác phẩm càng trở nên cuốn hút mình.

- Khôi Nam còn thích chơi nhạc gì ngoài giao hưởng không?

- Tôi thích chơi nhạc thính phòng. Trước đây, tôi đã lập Tam tấu Turina và Tứ tấu Impresa - nhóm này đã đoạt giải Nhất cuộc thi nhạc thính phòng Fnapec tại Paris và có nhiều chương trình biểu diễn thành công tốt đẹp ở Pháp và châu Âu.

- Dự định của Khôi Nam về những chương trình biểu diễn tại Hà Nội?

- Biểu diễn thì chưa có chương trình cụ thể. Nhưng tôi rất mong được tổ chức Festival âm nhạc ở Hà Nội, trước hết là cho đàn violon và có thể mở ra với các nhạc cụ khác, tôi có thể mời bạn bè là các nghệ sĩ tài năng ở bên ấy sang, dạy và trao đổi kinh nghiệm, làm vài ba concerto thầy trò cùng đàn, chỉ dẫn cho các em, giao lưu với các đồng nghiệp…

- Trước khi thực hiện được việc tổ chức Festival âm nhạc, những dịp về nước biểu diễn Khôi Nam có thể có những buổi làm việc ở các nhạc viện, với những cuộc trao đổi hoặc có những giờ dạy các em theo những chuyên đề nhất định, bởi vì sau mười lăm năm chơi ở một dàn nhạc vào bậc nhất thế giới, ở một nước châu Âu quê hương của âm nhạc cổ điển chắc chắn anh đã có nhiều kinh nghiệm chuyên môn?

- Vâng, đó là một ý hay, tôi và nhiều đồng nghiệp từ nước ngoài về cũng rất muốn được làm như vậy, nhưng điều này còn tùy thuộc ở các nhạc viện.

Nhân đây tôi cũng xin bày tỏ tình cảm của mình với các nhạc sĩ Việt Nam. Điều kiện để sống và làm việc của các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp khác nhau quá nhiều. Lương của các nhạc công ở Việt Nam quá thấp mà các anh chị em trong dàn nhạc tập rất nhiệt tình, tôi rất cảm phục họ và càng thêm yêu mến, gắn bó với dàn nhạc.

- Cảm ơn Khôi Nam đã dành cho tôi cuộc trò chuyện chân thành. Hy vọng dự kiến tổ chức Festival âm nhạc của anh sẽ được thực hiện và mong được nghe chương trình biểu diễn mới của anh một ngày không xa…

Nguyễn Thị Nam