Sinh viên giúp nông dân nuôi giun quế
Giáo dục - Ngày đăng : 06:56, 05/12/2010
Nguyễn Thế Thiện, thành viên trong nhóm SIFE lý giải: Giun quế (Peryonyx Excavatus), rất dễ nuôi, lợi ích rất cao vì nó tiêu hủy phân bò để cho ra một loại phân hữu cơ sinh học chất lượng cao, sạch và an toàn, có thể thay thế đáng kể lượng phân hóa học dùng cho lúa nước, cây cảnh và rau sạch.
Tháng 1-2009, nhóm SIFE Đại học Kinh tế quốc dân đã tiến hành khảo sát địa bàn xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nơi có 700 hộ nuôi 1.300 con bò sữa, mỗi ngày thải ra 20 tấn phân bò. Áp dụng kiến thức đã học, với sự giúp đỡ của đoàn trường, nhóm SIFE Đại học Kinh tế quốc dân đã triển khai dự án nuôi giun quế tại xã Phù Đổng, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường đồng thời tăng thu nhập cho người dân.
"Nhóm SIFE chúng tôi làm thí điểm ở hai hộ nông dân xã Phù Đổng, hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ mua giun giống, một tháng hai lần đến hướng dẫn kỹ thuật. Cứ sau 45 ngày, giun sinh sản gấp hai lần số giun giống ban đầu, phân giun thải ra bán cho người trồng trọt. Thu nhập của hai hộ nuôi thí điểm, mỗi tháng đạt 2 - 2,5 triệu đồng". Nguyễn Thu Hằng, thành viên nhóm SIFE cho biết.
Hiện mô hình nuôi giun quế đang được nhóm SIFE nhân rộng đối với các hộ dân xã Phù Đổng. Mục tiêu đến năm 2011, nhóm sẽ triển khai mô hình này tới các xã Trung Màu, Dương Hà (Gia Lâm) và một số địa phương khác ở miền Bắc.
Bí thư đoàn Trường Đại học Kinh tế quốc dân Nguyễn Hoàng Hà khẳng định mô hình nuôi giun quế kết hợp tốt 3 yếu tố: khoa học - kinh tế - môi trường, dựa trên chu trình bò - phân bò - giun - phân bón nông nghiệp. Đây là hướng tiếp cận mới, mang tính sáng tạo và ứng dụng cao trong phát triển chăn nuôi bò của nông nghiệp hiện đại ở các tỉnh phía Bắc. Vì vậy, mô hình nuôi giun quế của nhóm SIFE Đại học Kinh tế quốc dân đã đạt giải nhất cuộc thi SIFE toàn quốc 2010 và được chọn tham dự cuộc thi SIFE Quốc tế 2010 tại Los Angeles, Hoa Kỳ.